Hạt giống cũng là một “sinh vật”, chúng cũng có một tuổi thọ nhất định. Có loại sống rất lâu, có loại sống rất ngắn.
Tuổi thọ của hạt giống chủ yếu do hai yếu tố quyết định: một là những nhân tố nội tại của hạt giống, như hạt to, nhỏ, hạt mẩy, chắc, trạng thái sinh lý của hạt, thành phần hóa học của hạt, cấu tạo của hạt... nhân tố thứ hai là độ ẩm, lượng nước, không khí, vi sinh vật và cả sâu bệnh. Nếu cùng một loại hạt thì tuổi thọ chủ yếu do điều kiện môi trường bên ngoài quyết định.
Chúng ta hãy làm các thí nghiệm sau:
Thí nghiệm 1: Lấy những hạt thóc giống nhau chia làm hai phần, một phần cất giữ trong điều kiện bình thường, phần kia cất kín trong môi trường chứa đầy khí nitơ. Phần trước sau một năm tỷ lệ hạt nảy mầm chỉ có 70%, phần kia cho dù đến 5 năm thì tỷ lệ nảy mầm vẫn là 99%.
Thí nghiệm 2: Trước tiên dùng canxi clorua hút hết độ ẩm của hạt tiểu mạch khiến cho lượng nước chứa trong hạt chỉ đạt 4,3%, sau đó cất kín trong chỗ có độ ấm vừa phải, không có ánh sáng chiếu vào. Sau 15 năm tỉ lệ nảy mầm vẫn có thể đạt trên 80%.
Thí nghiệm 3: Dùng hạt đậu tương có hàm lượng nước 9%, chia làm hai phần, một phần trong điều kiện có nhiệt độ 30oC, một phần trong môi trường có nhiệt độ 10oC. Kết quả sau một năm, phần trước không còn sức nảy mầm, phần sau dù sau 10 năm vẫn có sức sống.
Mấy thí nghiệm trên chứng tỏ rõ ràng rằng chỉ cần cất giữ hạt ở nơi khô ráo, hoặc nhiệt độ thấp, hoặc không có oxi thì sẽ kéo dài tuổi thọ của hạt. Nếu đạt được đủ ba điều kiện trên thì hạt càng có thể để được lâu. Có người dự đoán, nếu giảm lượng nước trong hạt thóc xuống còn 4%, cất giữ trong điều kiện nhiệt độ –10oC, qua 600 năm, tỷ lệ nảy mầm của hạt vẫn đạt 90%. Tại sao lại có thể giữ được lâu như vậy? Bởi vì bất kỳ sinh vật nào chỉ cần có sự sống thì đều cần phải hô hấp. Hạt cây cũng không ngoại lệ, nó phải duy trì sự sống, phải hút khí oxi từ bên ngoài, nhờ tác dụng của chất xúc tác sẽ chuyển hóa chất đường và các chất xúc tác khác thành năng lượng, đồng thời bài tiết chất cacbon đioxit và nước ra ngoài. Nếu cất giữ hạt trong môi trường có nhiệt độ thấp, khô ráo, bắt hạt phải “ngủ yên”, khiến cho chức năng hô hấp của nó giảm đến mức tối đa, lúc này sự tiêu hao thành phần dinh dưỡng sẽ rất ít. Có người sau khi nghiên cứu đã phát hiện nhiệt độ cất giữ mà cứ giảm dần hoặc tăng dần 5oC thì tác dụng hô hấp của hạt sẽ tăng theo hoặc giảm xuống 50%. Cũng giống như vậy, hạt chứa lượng nước mà cứ giảm 2% thì tác dụng thở cũng giảm 50%. Sự hô hấp của hạt yếu đi một nửa thì tuổi thọ của hạt sẽ kéo dài gấp đôi.