Bạn đã đến thành phố núi Trùng Khánh chưa? Thành phố này nằm ở chỗ hợp lưu của hai con sông Trường Giang và sông Gia Lăng, là một thành phố bán đảo, trên núi dưới sông. Nhiều năm lại đây, dân cư sống ở hai miền Nam Bắc sông Gia Lăng, việc qua sông hết sức bất tiện. Năm 1981, trên bầu trời của sông Gia Lăng, lần đầu tiên, Trung Quốc đã xây dựng một đường dây cáp hai dây để chở khách, toàn bộ chiều dài là 740 m. Mỗi ca-bin có thể chở 46 người, chạy qua chạy lại không ngừng, vận hành trong mọi thời tiết, hành khách mỗi lần qua sông chỉ cần ba phút. Thế mà trước kia mọi người đi xe qua cầu Gia Lăng hoặc qua phà, phải mất 40 phút. Năm 1987, thành phố Trùng Khánh lại xây dựng một đường dây cáp vượt qua sông Trường Giang, dài 1166 m, không những thuận tiện cho việc giao thông qua sông mà còn trở thành một cách thức cho du khách thưởng ngoạn phong cảnh sông Trường Giang nữa cơ đấy!
Sự thực thì đường dây cáp trên không đã có từ xa xưa, nhưng các đường dây cáp cổ đại chỉ do dây đồng, ròng rọc và thùng xe hợp thành, không có thiết bị động lực, mà chỉ có thể "trượt" từ trên cao xuống thấp. Đường dây cáp hiện đại được dần dần phát triển từ giữa thế kỷ XX. Hiện nay toàn thế giới đã có hơn 16.000 các loại đường cáp, trong đó, nhiều nhất là ở Thuỵ Sĩ. Vì Thuỵ Sĩ là thiên đường trượt tuyết nổi tiếng của thế giới, cảnh sắc núi non làm cho người ta rất yêu thích. Do đó, cáp treo chở khách nối liền các núi cao tự nhiên trở thành phương tiện giao thông ở trên núi rất thực dụng, rất lý tưởng.
Giao thông chở khách bằng đường dây cáp có rất nhiều ưu điểm. Trước hết là khả năng thích nghi với môi trường cao, dù là núi cao vực sâu, hay gió to sương mù, cáp treo đều có thể làm việc bình thường. Mọi người đều biết thành phố núi Trùng Khánh nổi tiếng vì nhiều sương mù, mỗi khi có sương mù dày đặc, việc giao thông qua sông bằng cầu hay phà đều bị hạn chế rất nhiều, trái lại xe chạy trên đường dây cáp không bị ảnh hưởng gì, vẫn qua lại bình thường giữa hai bờ sông lớn. Đường dây cáp trên không còn có thể trực tiếp vượt sông, leo dốc cao mà không cần phải chạy vòng vèo quanh núi như đường bộ, do đó đã nâng cao rất nhiều hiệu quả vận chuyển.
Đừng cho rằng đi xe cáp ở trên cao là rất nguy hiểm. Theo phân tích thống kê, mức độ an toàn khi đi xe cáp gấp khoảng 30 lần so với đi ô tô. Đó là vì dây cáp rất dai, bền, hơn nữa còn có các loại thiết bị điều khiển phanh hãm để bảo đảm an toàn. Đường cáp chở khách do dây cáp chịu tải chịu trọng lượng của ca-bin, ngoài ra còn có dây cáp kéo để vận hành xe. Tuỳ theo sự khác nhau của việc vận hành và cấu tạo, thông thường có thể chia ra hai phương thức chạy đi chạy lại và chạy vòng quanh.
Chi phí xây dựng và duy tu sửa chữa đường dây cáp tương đối thấp, diện tích chiếm đất rất ít, không gây ô nhiễm. Do đó, ngoài phát huy tác dụng ở vùng núi, ở những điểm du lịch ra, cáp treo rất có khả năng trở thành một hình thức giao thông công cộng quan trọng và lý tưởng của ngành giao thông trong tương lai.