Vào năm 1940, lần đầu tiên người ta nói đến một thuật ngữ rất mới "thép thủy tinh”. Thép thuỷ tinh, về thành phần không có liên quan gì đến thép nhưng hết sức bền chắc: một tấm thép thủy tinh dày 8mm có thể không bị đạn xuyên thủng.
Mọi người đều biết trong bê tông cốt thép, sợi thép là "xương" còn xi măng là "thịt". Thép thuỷ tinh cũng có tính chất tương tự: Người ta nung chảy thuỷ tinh, kéo thành sợi mảnh. Sợi thuỷ tinh có tính đàn hồi, có thể dệt thành lụa, thành vải. Người ta cuộn vải thuỷ tinh thành nhiều lớp, ép với nhau rồi xử lý bằng chất dẻo đã đốt nóng chảy. Nhờ vậy người ta đã chế tạo được loại vật liệu lấy sợi thuỷ tinh làm "xương" và chất dẻo làm "thịt". Loại vật liệu này được gọi là thủy tinh được gia cố bằng chất dẻo.
Về độ bền cơ học thì thép thủy tinh có thể sánh ngang với thép, còn về khối lượng riêng thì thép thuỷ tinh chỉ bằng 1/4 thép. Thép thuỷ tinh lại không dẫn điện, rất nhẹ, về mặt này thì thép không sánh kịp thép thuỷ tinh.
Thép thủy tinh là loại vật liệu công nghệ mới có thể dùng để chế tạo khung, thân xe, vỏ ca nô, toa xe lửa, dùng làm vật liệu xây dựng vừa nhẹ lại vừa bền. Một thân xe ô tô con chỉ nặng hơn 150 kg. Dùng thép thủy tinh để chế tạo khung xe đạp vừa nhẹ lại vừa đẹp. Dùng thép thủy tinh chế tạo vỏ tàu thuyền vừa nhẹ, lại không bị mục nát, so với vỏ tàu thuyền chế tạo bằng gỗ thì có thể chế tạo thành hình nguyên khối mà không cần ghép nối. Gặp trường hợp thân xe hoặc thân thuyền có thủng một chỗ nào đó chỉ cần dùng keo dán gỗ bôi quanh lỗ thủng rồi dán một miếng thuỷ tinh là có thể tiếp tục đi lại.
Ngày nay phạm vi sử dụng của thép thủy tinh ngày càng được mở rộng. Trong quân sự, người ta dùng thép thuỷ tinh để chế tạo xe tăng, pháo thuyền nhẹ. Trong thể dục thể thao người ta dùng thép thuỷ tinh để sản xuất gậy nhảy sào, làm cung bắn tên. Trong sinh hoạt hằng ngày, người ta dùng thép thủy tinh để chế tạo đồ đựng nước, bể tắm vừa bền vừa đẹp.