Vệ tinh nhân tạo chuyển động trên quỹ đạo vũ trụ theo dự định, nói chung sẽ không rơi xuống, vì lực hấp dẫn của Trái Đất và lực ly tâm của vệ tinh luôn ở trạng thái cân bằng. Nhưng quỹ đạo của vệ tinh có thể vì nguyên nhân này hoặc nguyên nhân khác mà phát sinh biến đổi nhỏ, ví dụ lực cản của không khí hay áp lực bức xạ của Mặt Trời cũng như lực hấp dẫn của các hành tinh khác làm cho nó không chuyển động bình thường được, có khả năng sẽ bị rơi xuống đất.
Để bảo đảm tư thế chuyển động của vệ tinh được bình thường, các nhà khoa học đã thiết kế phương án vệ tinh tự quay về ổn định, tức là làm cho vệ tinh tự quay nhanh quanh trục của mình. Bởi vì một vật thể chuyển động lên phía trước, nếu đồng thời tự quay nhanh thì phương chuyển động sẽ không bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài, tư thế chuyển động tương đối ổn định.
Thiết bị tự quay ổn định của vệ tinh là một miệng phun nhỏ ở phần đuôi. Khi tầng tên lửa cuối cùng rời khỏi vệ tinh thì ống phụt nhỏ lắp ở phần đuôi vệ tinh sẽ phụt ra luồng khí khiến cho vệ tinh quay nhanh dần. Đối với một số vệ tinh không thích hợp dùng cơ cấu tự quay để bảo đảm ổn định, ngoài ra cũng không có hệ thống điều chỉnh tự động thì khi vệ tinh đi chệch quỹ đạo sẽ kịp thời có những phản ứng để sinh ra lực đẩy giúp vệ tinh chuyển động được bình thường.
Nhưng khi con tàu vũ trụ đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó thì các nhà khoa học có thể điều khiển nó rơi xuống, tức là rơi tự động. Nhưng khi đó cần phải xét đến sự an toàn tuyệt đối của con người và các sự vật trên mặt đất.
Ví dụ năm 2001 các nhà khoa học đã tiến hành phương án chuẩn bị cho trạm vũ trụ "Hoà bình" nổi tiếng rơi xuống đất. Trạm vũ trụ "Hoà bình" do Liên Xô phóng lên từ năm 1986. Trong 15 năm nó đã đón nhận 136 nhà du hành vũ trụ. Gần đây vì các thiết bị đã lão hoá, tuy trong đó có nhiều bộ phận đã được thay mới, nhưng thường xảy ra trục trặc, nếu tiếp tục làm việc thì phải đầu tư một khoản tiền khá lớn. Ngành Hàng không vũ trụ Nga không gánh vác nổi nên đã quyết định cho trạm "Hoà bình"ngày 23 tháng 3 năm 2001 rơi an toàn xuống Thái Bình Dương. Điều khiển trạm vũ trụ khổng lồ rơi xuống là một công trình rất phức tạp. Khoang chính của trạm "Hoà bình" và 5 khoang nối với nó như "Lượng tử 1", "Lượng tử 2", "Tinh thể", "Quang phổ","Tự nhiên" đã cấu tạo thành một khoang thí nghiệm liên hợp nặng 124 tấn. Khi nó rơi không thể hoàn toàn bị tiêu huỷ trong tầng khí quyển, một khi mảnh vỡ rơi xuống khu vực đông dân cư thì hậu quả thật khôn lường.
Để trạm "Hòa bình" rơi an toàn, nước Nga đã có kế hoạch nửa cuối năm 1999 phóng lên con tàu chở hàng "Tiến bộ M-42" để đưa những thiết bị máy tính tiếp thu tín hiệu khống chế rơi và ba nhà du hành vũ trụ trở về an toàn. Sau khi công việc chuẩn bị thoả đáng thì Trung tâm khống chế mặt đất đã ra lệnh cho con tàu "Hoà bình" rơi xuống, để cho nó rơi vào khu vực Thái Bình Dương.