Ngày nay keo dán đã trở thành một họ lớn có nhiều thành viên: Từ các sản phẩm người ta đã biết từ thời xa xưa như keo dán bằng nhựa cây, keo xương, keo tiết lợn... còn có nhiều thành viên mới khác. Trong số các loại keo mới, loại keo có phạm vi sử dụng rộng rãi được mọi người ưa thích có loại keo không khô.
Theo tên gọi "keo dán không khô" rõ ràng đó là chất keo không bị khô. Khi đưa cho bạn một bình keo dán không khô, chắc bạn sẽ nghĩ rằng đã là keo tuy có dính bám nhưng không rắn được, không định hình được vật cần dán, thì ngoài việc làm giấy bắt ruồi ra, còn làm được việc gì nữa.
Vào năm 1964, một nhà hoá học ở Công ty 3M của Mỹ đã nghiên cứu phối chế các loại keo dán, ông ta đã tìm thấy một loại có tính dính bám rất tốt nhưng rất khó đóng rắn. Khi đem dùng thì thấy có độ dính rất tốt, nhưng rất khó khô, sau khi dán xong, sau một thời gian dài vẫn có thể bóc ra dễ dàng. Loại keo dán không có lực bám chắc thì có thể dễ dàng lột bỏ thì liệu còn dùng được vào việc gì? Cho dù nhà phát minh đã hết sức chào mời, nhưng trải qua thời gian 9 năm sau đó cũng không ai đoái hoài đến. Mãi đến năm 1973, Công ty 3M đã thành lập một nhóm nghiên cứu khai thác mặt hàng mới, loại keo dán không khô mới dần dần từng bước được nghiên cứu. Họ đã dùng loại keo dán này phủ một lớp mỏng lên mặt sau của các tờ nhãn hiệu hàng hoá, sau đó lại phủ vào mặt có keo dán một tờ giấy nến mỏng. Đây là các tờ nhãn hiệu hàng hoá có keo dán không khô lần đầu tiên trên thế giới. Khi sử dụng nhãn hiệu, người ta chỉ cần lột bỏ tờ giấy nến là có thể dán vào bất kỳ chỗ nào. Sau đó người ta tiếp tục nghiên cứu dùng keo dán không khô làm đồ cho chơi cho trẻ em. Dần dần người ta đã tìm cách sử dụng các điểm mạnh của keo dán không khô vào các mục đích khác nhau. Các sản phẩm dùng keo dán không khô ngày càng nhiều, lượng keo dán không khô được sử dụng cũng ngày càng tăng.
Ngày nay để hàn kín miệng các hộp giấy, túi giấy người ta thường sử dụng các băng keo dán không khô. Khi cần tạm thời kết thúc nhanh việc bao gói một vật gì đó, người ta thường dùng băng keo dán không khô. Trong phòng thí nghiệm, người ta thường dùng băng keo dán không khô để cố định nhãn chai lọ. Trong các cửa hiệu người ta hay dùng băng keo dán không khô để đính các nhãn hiệu hàng hoá. Trong các xưởng mạ, trong khi phun sơn, phun cát người ta thường dùng băng keo trong phủ keo dán không khô để bảo vệ các phần không động chạm đến. Khi cần bảo vệ bề mặt sáng bóng của các tấm kim loại, bịt kín các bình đựng kim loại, ngay cả khi cần bảo vệ các tập sách, các tập vở bài tập của các bạn học sinh nhỏ, người ta cũng hay dùng băng keo trong có phủ keo dán không khô. Trong các bệnh viện người ta hay dùng các miếng cao dán để trị bệnh đau nhức, chống viêm, người ta cũng thường chọn loại băng keo dán không khô. Trên võ đài, tại các cung thể dục thể thao, người ta cũng hay dùng keo dán không khô để phối chế các vật liệu vẽ các đường vẽ trên đất... Thật không thể kể hết các ứng dụng của keo dán không khô.
Chất keo kết dính dùng làm băng keo dán không khô có nhiều loại thường được phối chế từ cao su và este acrilic. Nguyên liệu để chế tạo băng keo thường bằng giấy, màng nhựa mỏng, vật liệu sợi dệt (vải). Thậm chí người ta cũng dùng đồng lá, nhôm lá, cũng như các màng mỏng chế tạo từ cao su thiên nhiên làm nguyên liệu.