Núi lửa là hiện tượng nham thạch trong lòng đất phun ra. Bình thường nham thạch bị vỏ Trái Đất bao kín. Nhiệt độ trong lòng đất rất cao, dung nham dưới đó luôn bị nén ép, nhưng vì áp suất rất lớn nên phún thạch rất khó phun ra. Ở những chỗ vỏ Trái Đất tương đối yếu, phía dưới chịu áp suất so với chung quanh yếu hơn thì chất khí và nước trong phún thạch chỗ đó sẽ bị phân ly ra, khiến cho sức hoạt động của phún thạch mạnh lên, phá vỡ vỏ Trái Đất. Khi núi lửa hoạt động, các chất khí và hơi nước ban đầu bị nén lẫn trong phún thạch sẽ phân ly ra, thể tích giãn nở rất nhiều, do đó phát sinh ra núi lửa.
Núi lửa mạnh hay yếu có liên quan với miệng núi lửa có thông suốt hay không. Nếu phún thạch đặc quánh, cộng thêm miệng núi lửa hẹp thì dễ bị tắc, do đó phún thạch dưới đất phải tập trung một lực rất lớn mới có thể phá vỡ được. Có lúc núi lửa phun, chỉ riêng những tro lửa cũng đã nhiều đến mấy triệu mét khối. Nếu độ đặc của phún thạch nhỏ, chất khí trong đó ít, miệng núi lửa rộng thì núi lửa đó thường hoạt động, nhưng các vụ nổ không lớn lắm. Một số núi lửa trên quần đảo Hawai thuộc loại như thế.
Núi lửa thường phân bố ở những vùng vỏ Trái Đất chuyển động mạnh, hơn nữa ở đó vỏ Trái Đất yếu. Những chỗ như thế trên lục địa cũng có, dưới biển cũng có. Vỏ Trái Đất ở đáy biển rất mỏng, nói chung chỉ dày mấy nghìn mét, có những chỗ vỏ Trái Đất còn có khe nứt.
Cho nên ở dưới đáy biển có không ít núi lửa. Như núi lửa Capeliniuso ở gần quần đảo Xuyê ở miền Trung Đại Tây Dương nằm trên một đới có vết nứt rất lớn. Khi núi lửa hoạt động thì từ dưới đáy biển dâng lên những đợt sóng thần rất nóng, khiến cho mặt biển sôi lên. Ban đầu người ta còn nhầm đó là cột nước của cá voi. Nhưng sau đó nó phun kéo dài suốt 13 tháng liền, kết quả nổi lên một hòn đảo mới, rộng chừng mấy trăm mẫu. Loại núi lửa đáy biển như thế có rất nhiều.
Khi núi lửa mới hoạt động, phún thạch phun ra, sức hoạt động của nó còn rất mạnh, trong địa chất học người ta gọi đó là "núi lửa sống". Những núi lửa ở quần đảo Hawai trong Thái Bình Dương hàng triệu năm nay không ngừng hoạt động, có lúc còn bùng nổ rất lớn, đó là những núi lửa thuộc loại này.
Có một số núi lửa sau khi hoạt động phải trải qua một thời gian tương đối dài để tích tụ phún thạch mới có thể bùng nổ trở lại. Loại núi lửa này gọi là "núi lửa ngủ". Những núi lửa ở mạch núi Cơscơxơ miền Tây Bắc Mỹ thuộc loại này. Nó không để lại những ghi chép về lịch sử các lần bùng nổ, nhưng theo quan sát thì nó vẫn còn khả năng hoạt động lại. Chẳng qua loại núi lửa này có lúc ngủ rất dài.
Có một số núi lửa vì hình thành sớm, phún thạch dưới đất đã ngưng kết, không hoạt động nữa, hoặc phún thạch tuy vẫn còn nhưng do vỏ Trái Đất ở đó dày và bền chắc, các khe nứt đều đã bị phún thạch đông kết lấp cứng, nên phún thạch trong lòng đất không thể phá vỡ. Những núi lửa đã mất năng lực hoạt động này gọi là "núi lửa chết". Ví dụ những núi lửa ở núi Ylimashana vùng biên giới Tanzania châu Phi là núi lửa chết có tiếng. Từ trên máy bay có thể thấy rõ trong miệng núi lửa bị lớp băng tuyết rất dày bao phủ.