Có người sau khi ăn đồ bỗng nhiên cảm thấy toàn thân phát ngứa, nổi các nốt đỏ màu hồng hoặc màu
trắng sáng, đó là mề đay. Thông thường, nốt mề đay có to có nhỏ, nhỏ như hạt gạo, to có thể rộng hơn cả bàn tay. Thời gian nổi mề đay thường không quá 24 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài hơn.
Mề đay hình thành như thế nào? Các nhà y học giải thích rằng, người thường phát sinh mề đay là những người cơ thể rất nhạy cảm. Khi một số chất đặc biệt nào đó được đưa vào cơ thể thì cơ thể sản sinh ra một chất để kháng cự lại. Trong quá trình đề kháng, một số tổ chức, tế bào nào đó phát sinh biến đổi, nhả ra một số chất đặc biệt, khiến cho mạch máu giãn ra, huyết thanh thẩm thấu vào trong tổ chức da. Trong da, hàm lượng huyết thanh tăng lên, làm cho da phình lên, sản sinh ra mề đay. Khi huyết thanh trong da được hấp thu hết thì mề đay cũng biến mất.
Bình thường, ta ăn một số thức ăn biển nhưng không bị mề đay. Nếu mệt mỏi quá mức hoặc uống rượu quá nhiều, đồng thời ăn thịt hoặc ăn cá nhiều, đường ruột và dạ dày sẽ không tiêu hóa hết hoàn toàn các chất anbumin; đó cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh mề đay.
Khi cơ thể có bệnh mạn tính, như viêm ruột thừa mạn tính, sâu răng, trong đường ruột có ký sinh trùng hoặc cảm nhiễm vi khuẩn, ta đều có thể bị mề đay. Cá biệt có người vì sợ lạnh hoặc sự kích thích của nóng bức cũng sẽ sinh ra mề đay.
Có người khi uống thuốc hoặc sau khi tiêm đã bị nổi mề đay, đó là do dị ứng thuốc gây nên.
Nếu phát sinh mề đay, nên tìm rõ nguyên nhân. Khi tìm không ra nguyên nhân, nên dùng biện pháp kháng dị ứng để chữa trị.