Những người thăm dò địa chất và vận động viên leo núi hoạt động trên núi cao thường hay gặp chuyện lúng túng như thế này: nước trong nồi cơm sôi sùng sục đã lâu, hơi nước bốc nghi ngút, song cơm trong nồi vẫn sống. Điều đó rốt cuộc là gì vậy
Hóa ra là, nước cũng hệt như các chất khác, điểm sôi của nó có quan hệ với áp suất. Áp suất lớn, điểm sôi cao; áp suất nhỏ, điểm sôi thấp. Khi độ cao ở gần mực nước biển, áp suất khí quyển vào khoảng 101,3 kilopascan (kPa). Điểm sôi của nước ở độ cao đó là 100°C. Nhưng lên núi cao, theo đà tăng của độ cao, áp suất khí quyển giảm dần, điểm sôi của nước cũng bắt đầu hạ thấp. Có nghĩa là trên núi cao, không phải tới 100°C nước mới bắt đầu sôi.
Theo đo đạc, hễ độ cao tăng 1000m, điểm sôi của nước hạ thấp khoảng 3°C. Ở độ cao 5000 m trên mực nước biển, dù rằng lửa cháy thật bốc, nước trong nồi cơm sôi rồi, nhiệt độ nước vẫn không vượt quá 85°C. Còn trên đỉnh nóc nhà thế giới - đỉnh núi Evơret (với độ cao khoảng 8848 m), nước mới ở nhiệt độ xấp xỉ 73,5°C cũng đã đạt tới điểm sôi rồi. Nhiệt độ như thế tất nhiên không thể nấu gạo sống thành cơm chín được.
Nếu vậy, chẳng nhẽ ở trên núi cao đành phải ăn cơm sống hay sao? Cố nhiên không phải vậy. Con người đã nghĩ ra một loại nồi áp suất thích hợp cho việc đun nước nấu cơm cho trường hợp núi cao. Khi nấu bằng nồi áp suất, hơi nước không có cách gì bay từ trong nồi ra, càng tích tụ càng nhiều, nên đã tăng áp suất trong nồi lên. Khi áp suất đạt tới 101,3 kPa, điểm sôi của nước đương nhiên cũng đạt tới 100°C, gạo sống cũng có thể nấu thành cơm chín được.
Hiện nay, các gia đình cũng dùng nồi áp suất. Nói chung áp suất của loại nồi đó được khống chế vào khoảng 223 kPa (cỡ 2,2 atm), nhiệt độ cao nhất trong nồi có thể tới 123°C. Nấu cơm và thức ăn bằng nồi áp suất vừa tiết kiệm chất đốt, vừa rút bớt thời gian và mang lại nhiều thuận tiện cho cuộc sống.