Vua trộm

Một hôm nọ, hai vợ chồng bác nông dân làm việc xong, định ngồi nghỉ một lát trước căn nhà đơn sơ của họ thì bỗng nhiên có một chiếc xe lộng lẫy bốn ngựa kéo tới đỗ ngay trước nhà. Một quý ông ăn mặc sang trọng từ trên xe bước xuống. Bác nông dân đứng dậy, đi tới vị khách sang trọng hỏi cần gì, hoặc có cần giúp đỡ gì không. Người đó bắt tay bác nông dân, và nói:

- Tôi chẳng cần thứ gì cả, chỉ muốn có một bữa ăn mang phong vị nông thôn xem sao. Hãy nấu cho tôi một món ăn bằng khoai tây như ông bà thường nấu, rồi cho tôi ngồi vào bàn ăn, ăn một bữa thoải mái với ông bà.

Bác nông dân mỉm cười, nói:

- Xem ra ngài là một bá tước hoặc hầu tước, thậm chí cũng có thể là một công tước. Những người quí phái như các ngài đôi khi lại nổi hứng thế đấy. Được thôi, nguyện vọng của ngài sẽ được đáp ứng!

Vợ của bác nông dân đi vào bếp, rửa khoai tây, sau đó làm thành món viên bột khoai tây hấp như thường ngày những người nông dân vẫn ăn. Trong khi bác gái làm những việc đó, bác trai nói với người khách lạ:

- Trong khi chờ đợi, mời ngài cùng tôi ra vườn xem tôi làm vườn.

Trong vườn bác nông dân đã đào xong một số hố, bây giờ bác trồng cây vào đấy. Người khách lạ hỏi:

- Bác không có con cái à? Tại sao không để con làm giúp?

Bác nông dân trả lời: - Không! Tôi đã từng có một đứa con trai, nhưng nó bỏ nhà đi. Nó là đứa con hư hỏng. Tuy thông minh lanh lợi, nhưng nó không học hành gì cả, chỉ toàn làm những chuyện tinh nghịch, cuối cùng thì bỏ chúng tôi mà đi, đến giờ tôi chẳng nghe được tin tức gì của nó.

Bác nông dân lấy ra một cây giống cho xuống hố trồng cây, rồi cắm một cọc chống ở bên cạnh, sau đó vun đất, dậm chặt, và dùng sợi rơm buộc ở phía trên, giữa và dưới của cây vào cọc chống. Người khách lạ hỏi:

- Làm ơn cho tôi biết: vì sao bác không buộc cho cái cây mọc cong queo, còi cọc ở chỗ kia, để cho nó mọc thẳng lên?

Bác nông dân cười, trả lời:

- Nghe những điều quý ông nói. Xem ra quý ông không hiểu nhiều về nghề vườn. Cái cây ở đấy già rồi, thân có rất nhiều mấu, chẳng ai có thể uốn thẳng nó được nữa. Muốn uốn cây mọc thẳng, thì phải uốn khi nó còn non!

Người khách lạ nói:

- Điều đó cũng như con trai của bác vậy. Nếu như bác dạy dỗ nó khi nhỏ, thì nó đã chẳng bỏ nhà ra đi. Bây giờ nó đã lớn rồi, làm sao mà uốn nắn được tính ương bướng của nó nữa.

- Cũng chưa chắc vậy. Nó đã đi lâu rồi, sợ rằng đã có những thay đổi. - Bác nói.

Người khách lạ hỏi:

- Nếu bây giờ nó tới trước mặt, bác có nhận ra nó không?

- Nhìn nét mặt thì khó, nhưng nó có một nốt ruồi to bằng hạt đậu ở vai.

Bác vừa nói xong, người khách lạ cởi áo ra cho bác nông dân thấy nốt ruồi to bằng hạt đậu ở vai. Bác nông dân thốt lên:

- Trời ơi, nó đúng thực là con trai tôi.

Bác nói tiếp:

- Có ai ngờ rằng đó lại là con trai tôi. Con giờ là một người giàu sang phú quý. Làm thế nào mà con được như bây giờ?

Đứa con trai đáp:

- Ồ, thưa cha, cây non không uốn theo cọc thì mọc cong queo. Giờ thì nó cũng già nên không thể mọc thẳng được nữa. Làm sao con lại trở nên giàu có ư? Con đã trở thành một tên trộm. Nhưng cha đừng có sợ, con là vua trộm. Đối với con, khóa cửa then cài chẳng có nghĩa lý gì cả. Con thích cái gì thì cái đó là của con. Cha chớ nghĩ con ăn trộm như những tên ăn trộm tầm thường. Con chỉ lấy của người giàu. Của cải của người nghèo con không bao giờ đụng tới, thậm chí con còn phát chẩn cho họ. Con lấy được của mà chẳng cần phải nhúc nhích người, chẳng phải vất vả suy nghĩ.

- Ừ, con trai của cha, cha chẳng vui gì về chuyện đó. Quân ăn trộm vẫn là quân ăn trộm. Cha nói con biết, nghề ấy kết thúc bằng cái bị và cái gậy của thằng ăn mày.

Bác nông dân dẫn con trai ra mắt mẹ. Nhìn con trai bác gái mừng đến phát khóc. Khi nghe con trai nói mình là vua trộm thì hai dòng nước mắt chảy trên khuôn mặt người mẹ. Bà mẹ bảo:

- Dù nó có là quân ăn trộm đi nữa thì nó vẫn là con tôi. Tôi vẫn muốn nhìn gặp lại con mình.

Cả nhà ngồi ăn bên bàn. Người con trai ăn một bữa đạm bạc mà lâu rồi anh ta không ăn. Người cha nói:

- Nếu ông chủ của chúng ta - bá tước sống ở trong lâu đài bên kia mà biết được con là ai và con làm gì. Ông ta sẽ không ôm con giống như trong lễ đặt tên của con. Ông ta sẽ sai người treo con đung đưa trên giá treo cổ.

Người con nói: - Cha đừng lo, cha ạ. Ông ta sẽ không làm thế với con đâu, vì con rất sành sỏi trong nghề của mình. Hôm nay, chính con muốn đến thăm bá tước.

Khi trời chập tối, vua trộm lên xe tới lâu đài của bá tước. Bá tước tiếp anh ta như tiếp một con người quyền quý. Sau khi nghe người khách lạ tự giới thiệu, mặt bá tước trắng nhợt ra, ông đứng lặng người không nói một lời. Cuối cùng ông nói:

- Ta là cha đỡ đầu của anh, thế nên ta phải xử lý khoan dung và độ lượng với anh. Anh tự xưng là vua trộm, ta muốn thử tài anh xem. Nếu anh thất bại thì anh sẽ bị treo cổ, tiếng quạ kêu là nhạc cưới của anh.

Vua trộm trả lời: - Thưa ngài bá tước, ngài hãy nghĩ ba việc khó như ngài muốn. Nếu tôi không làm nổi thì ngài cứ xử như ý ngài nói.

Bá tước suy nghĩ một lát rồi nói:

- Được rồi, việc thứ nhất là anh phải lấy trộm được con ngựa của ta ở trong chuồng ngựa. Việc thứ hai là khi vợ chồng ta ngủ, anh phải lấy được khăn trải giường mà ta không hề hay biết, đồng thời còn phải lấy được chiếc nhẫn cưới ở ngón tay của vợ ta. Việc thứ ba cũng là việc cuối cùng, anh phải bắt cóc được vị cha xứ và người giúp việc của ta. Anh nhớ kỹ mọi việc, vì đây là chuyện mất đầu như chơi.

Vua trộm tới một thành phố gần đó. Ở đây anh mua của một bà lão nông dân quần áo, rồi mặc vào. Anh bôi da mặt thành màu nâu sẫm, lại vẽ thêm những nếp nhăn làm cho không ai có thể nhận ra anh nữa. Cuối cùng anh ta cho rất nhiều thuốc ngủ vào trong thùng rượu vang Hungary. Anh đặt thùng rượu lên một cái giá rồi đeo vác ở lưng. Anh đi chậm rãi, loạng choạng về phía lâu đài của bá tước.

Khi anh tới nơi thì trời đã tối. Anh ngồi xuống một tảng đá trong sân của lâu đài và ho lụ khụ như một bà già bị đau ngực khó thở, hai tay xoa vào nhau như là người đang bị rét cóng.

Trước cửa chuồng ngựa có mấy người lính đang ngồi, nằm quây quần quanh đống lửa. Một người lính trông thấy và gọi:

- Mẹ già thân yêu, mẹ lại gần đây mà sưởi cho ấm. Nếu mẹ chưa có chỗ nào nghỉ qua đêm thì lại đây tìm tạm một chỗ mà nghỉ.

Bà già lò dò bước lại, nhờ những người lính tháo hộ chiếc giá và thùng rượu ở trên lưng xuống, sau đó ngồi bên cạnh họ mà sưởi cho ấm. Một người lính hỏi:

- Bà già lọ mọ, bà có cái gì trong thùng vậy?

Bà già đáp: - Có chút rượu vang. Bà dựa vào việc bán rượu mà sống. Các anh ăn nói tử tế lại trả cho tiền thì bà sẵn sàng rót mời mỗi người một cốc.

- Lại rót đi! - Một người lính nói. 

Uống xong một cốc anh ta nói:

- Rượu ngon quá, cho xin một cốc nữa.

Anh ta uống thêm một cốc nữa. Thấy thế những người lính khác cũng uống rượu theo anh ta. Một anh lính gọi mấy người lính trong chuồng ngựa:

- Này, các cậu ơi, có bà bán rượu ngon tới, rượu lâu năm như tuổi bà cụ. Ra mà uống vài ngụm cho nóng người, còn tốt hơn cả sưởi lửa ấy.

Bà già mang thùng rượu vào trong chuồng ngựa. Một người lính ngồi trên yên ngựa, một người vịn tay vào hàng rào, người khác đang cầm đuôi ngựa. Đám lính thi nhau uống cho tới lúc cạn thùng rượu mới thôi. Một lát sau, anh lính vịn tay hàng rào buông tay và gục xuống ngủ và ngáy. Người lính cầm đuôi ngựa cũng buông tay và ngả người xuống ngủ, anh này còn ngáy to hơn. Người lính ngồi trên yên ngựa thì thân gập xuống xoài người ra tới cổ ngựa mà ngủ. Anh này ngáy như thổi bễ lò rèn.

Những người lính ở ngoài chuồng ngựa thì đã ngủ say từ lâu. Họ nằm ngủ bất động, la liệt trên mặt đất như những tảng đá. Vua trộm thấy thời cơ đã thuận lợi, lấy một sợi dây thừng đặt vào tay anh lính từng vịn hàng rào, lấy cái chổi rơm đặt vào tay anh lính khi trước nắm đuôi ngựa. Nhưng biết làm thế nào với anh lính ngồi trên yên ngựa? Vua trộm không muốn đẩy anh ta xuống, làm thế có thể anh ta thức giấc và hô hoán lên. Vua trộm nhanh trí nghĩ ra một cách: tháo dây đai buộc yên ngựa ra, dùng mấy sợi dây luồn qua các vòng treo ở trên tường, buộc chắc yên ngựa lại, rồi kéo cả yên ngựa lẫn anh lính đang ngủ lên trên không, rồi quấn dây vào một cái cột mấy vòng cho thật chắc.

Sau đó vua trộm cởi dây xích, nhưng khi dắt ngựa đi trên con đường lát đá thì có thể tiếng vó ngựa vang vào tận trong lâu đài nên vua trộm lấy giẻ buộc vào móng ngựa, rồi cẩn thận dắt ngựa ra khỏi lâu đài và phóng đi mất.

Sáng hôm sau, vua trộm cưỡi ngựa tới lâu đài, đúng lúc đó bá tước cũng vừa mới dậy đang đứng bên cửa sổ nhìn ra. Vua trộm hướng về phía cửa sổ nói lớn:

- Xin chúc bá tước một buổi sáng tốt lành. Tôi đang cưỡi con ngựa lấy từ chuồng ngựa đó. Ngài ngoảnh ra xem, lính của ngài đang ngon giấc. Ngài tới đó sẽ thấy lính canh sống thoải mái như thế nào.

Bá tước đành phải cười trừ và nói:

- Lần này anh thành công, nhưng lần thứ hai thì không đâu! Ta cảnh cáo trước, nếu ta bắt gặp anh đang ăn trộm thì ta sẽ xử anh như một tên trộm.

Buổi tối, khi nữ bá tước lên giường đi ngủ, bà nắm chặt bàn tay có ngón tay đeo nhẫn cưới, còn bá tước thì nói:

- Tất cả các cửa đều khóa then cài. Tôi sẽ thức rình chờ tên trộm. Thấy hắn nhảy qua cửa sổ vào là tôi bắn chết ngay tại chỗ.

Vào lúc đêm khuya, vua trộm tới trước giá treo cổ cắt đứt dây treo cổ, rồi cõng xác tử tội chạy về phía lâu đài. Vua trộm bắc thang dựa vào tường cửa sổ phòng ngủ của bá tước. Sau đó vua trộm vác xác chết lên vai, trèo thang lên cửa sổ. Vua trộm để đầu người chết nhô qua cửa sổ. Bá tước vẫn thức rình liền bóp cò súng. Vua trộm thả xác chết xuống, còn mình cũng nhảy vội xuống, nấp vào một góc. Dưới ánh trăng, vua trộm nhìn rõ bá tước ra cửa sổ leo thang xuống và đem người chết ra vườn, rồi đào hố chôn. Vua trộm nghĩ, giờ đúng là lúc thuận tiện. Vua trộm nhanh nhẹn ra khỏi nơi nấp, trèo thang lên cửa sổ vào phòng ngủ và giả giọng bá tước nói:

- Phu nhân yêu quý, tên trộm bị bắn chết rồi, nhưng tôi lại là cha đỡ đầu nó. Nó không phải là kẻ độc ác, nhưng là kẻ tinh nghịch. Tôi không muốn mọi người sỉ nhục nó và cũng rất cảm thông với bố mẹ nó. Trước khi trời sáng, tôi sẽ chôn nó trong vườn để cho mọi người không biết. Bà đưa cho tôi cái khăn trải giường để liệm nó, chứ không thể vùi nó như một con chó. 

Bá tước phu nhân đưa chiếc khăn trải giường. Vua trộm nói tiếp:

- Bà biết tính tôi đấy. Tôi vốn hào hiệp, bà đưa cho tôi chiếc nhẫn, con người bất hạnh này vì chiếc nhẫn mà mất mạng thì cũng đáng được chôn cùng cái nhẫn.

Nữ bá tước không dám trái ý chồng, mặc dù trong lòng không ưng nhưng vẫn tháo nhẫn đưa. Vua trộm cầm hai thứ đó đi. Trước khi bá tước chôn xong người chết thì vua trộm bình an trở về nhà mình.

Bạn có biết không, bá tước dài mặt ngẩn người ra, khi sáng hôm sau vua trộm mang khăn trải giường và chiếc nhẫn cưới của bá tước tới. Bá tước bảo vua trộm:

- Lẽ nào mày có phép phù thủy? Chính tay ta đào huyệt chôn mày. Vậy ai bới mày lên và làm cho sống lại?

Vua trộm trả lời: - Người ngài chôn không phải là tôi, mà là kẻ tử tù treo ở giá treo cổ.

Rồi anh ta kể cho bá tước hết đầu đuôi câu chuyện. Bá tước thừa nhận, anh ta là một tên trộm tinh ranh. Nhưng bá tước nói:

- Nhưng việc của mày chưa xong. Còn việc thứ ba nữa. Nếu không làm được thì việc mới làm này cũng chẳng giúp mày thoát chết.

Vua trộm không trả lời, chỉ tủm tỉm cười.

Đợi lúc đêm khuya, vua trộm vác trên lưng một bao tải, nách cắp một bó nến, tay cầm cái đèn đi về phía nhà thờ. Trong bao tải toàn cua là cua. Ngồi trong nghĩa địa của nhà thờ, vua trộm lấy cua ra, cắm nến trên lưng, rồi thắp nến cho sáng, thả cho cua bò trên nghĩa địa. Cứ như thế, vua trộm làm với tất cả cua có trong bao tải.

Làm xong việc đó, vua trộm mặc vào người chiếc áo choàng đen giống như chiếc áo choàng đen của cha xứ. Lại dán lên cằm một bộ râu hoa râm. Khi đã cải trang xong, vua trộm mang theo mình chiếc bao tải khi trước đựng cua đi vào nhà thờ, bước lên bục giảng. Đúng lúc đó tháp chuông điểm mười hai tiếng. Khi tiếng chuông cuối cùng vừa dứt, vua trộm nói lớn với giọng ồm ồm vang:

- Hãy nghe đây, những con người tội lỗi. Ngày tận thế đã tới rồi! Ngày phán xử cuối cùng gần kề! Hãy nghe đây! Hãy nghe đây! Ai muốn cùng ta lên thiên đường thì chui vào trong chiếc bao này. Ta là thánh Petrus, người canh cổng trên thiên đường. Các người cứ nhìn ra ngoài nghĩa địa của nhà thờ. Những người chết đang đi mang theo hài cốt của mình. Hãy mau mau chui vào bao, ngày tận thế đã tới!

Giọng nói vang khắp xóm làng. Cha xứ và người giúp việc ở ngay sát nhà thờ nên họ nghe thấy trước tiên, nhìn thấy ánh đèn lấp loáng di chuyển khắp mọi nơi trong nghĩa địa. Họ hiểu ngay, có chuyện không bình thường xảy ra. Họ tới nhà thờ, lắng nghe những lời phán truyền. Người giúp việc huých cha xứ và nói:

- Tại sao chúng ta lại bỏ lỡ cơ hội nhỉ. Chúng ta hãy nhẹ chân lên thiên đường trước khi ngày phán xử cuối cùng tới!

Cha xứ trả lời: - Đúng thế, cha cũng nghĩ vậy. Con có ưng thì ta cùng nhau đi!

Người giúp việc nói: - Vâng, thưa đức cha, xin người đi trước, con đi theo sau.

Cha xứ đi trước và tới chỗ bục giảng. Vua trộm đã mở sẵn miệng bao. Cha xứ chui vào bao trước, tiếp theo là người giúp việc. Vua trộm lập tức buộc chặt miệng bao lại, tay túm miệng bao lôi từ trên bục giảng xuống đất. Đầu của hai kẻ ngu ngốc va đập liên tiếp vào các bậc lên xuống. Vua trộm bảo:

- Bây giờ đang đi qua vùng núi!

Vua trộm kéo bao qua làng. Lúc kéo qua vũng nước, vua trộm bảo:

- Giờ đang đi qua vùng có mây mưa!

Khi kéo bao lên các bậc thang của lâu đài, vua trộm nói lớn:

- Giờ đang leo lên các bậc thang ở trên thiên đường. Sắp tới sân trước của thiên đường rồi.

Khi lên tới sân thượng của lâu đài, vua trộm đẩy cái bao vào trong khu nuôi chim bồ câu làm chim bồ câu vỗ cánh bay. Vua trộm nói:

- Các vị có nghe thấy tiếng vỗ cánh của các thiên thần không?

Vua trộm cài then khu nuôi chim bồ câu, rồi bỏ đi.

Sáng hôm sau, vua trộm tới gặp bá tước và nói rằng mình đã làm việc thứ ba, đã bắt cóc được cha xứ và người giúp việc. Bá tước hỏi:

- Thế mày để họ ở đâu?

- Họ đang nằm trong bao tải ở khu nuôi chim bồ câu. Họ cứ tưởng mình đang ở trên thiên đường.

Bá tước đích thân lên xem, chính mắt mình trông thấy nên tin rằng vua trộm nói đúng. Lúc cởi bao tải thả cha xứ và người giúp việc, bá tước nói:

- Mày quả là vua trộm. Mày hoàn tất công việc. Ta không chạm tới người mày lần này, nhưng mày phải rời khỏi xứ sở này. Nếu mày còn quay trở lại đây thì mày phải lên giá treo cổ đấy!

Vua trộm chào từ biệt cha mẹ và ra đi tới những miền xa xôi. Không một ai được tin gì về hắn....

Con ngựa mù

Ngày xưa lâu lắm rồi, trên đất nước Nga có một thành phố buôn bán sầm uất ở gần cửa biển. Ở thành phố ấy có một thương nhân rất giàu có. Thuyền ông ta chở hàng đi khắp bốn biển năm châu nên ông ta thu được nhiều bạc vàng...

Chó sói và bảy chú dê con

Ngày xửa ngày xưa, có một con dê cái già sinh được bảy chú dê con. Mẹ nào mà chả thương con, dê mẹ thương yêu đàn con của mình lắm. Một ngày kia, dê mẹ vào rừng kiếm thức ăn...

Cô bé Lọ Lem

Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, vợ ông ta ốm nặng. Khi bà cảm thấy mình sắp gần đất xa trời, bà gọi người con gái duy nhất của mình lại bên giường và dặn dò...

Chú bé tí hon

Xưa có một bác nông dân nghèo, tối tối bác thường ngồi bên lò sưởi, gẩy than cho lửa cháy, và bác gái ngồi xe chỉ...

Con gà trống chân chì

Con gà trống ấy có đôi chân chì, lông ở cánh đen mượt như nhung, lông ở ngực vàng thắm, cái mào trên đầu thì đỏ chói, vắt qua vắt lại. Tiếng nó hay ồ ồ, vang rất xa. Nó sống với bà già cô đơn trong một túp lều nát...

Ba sợi tóc vàng của con quỷ

Ngày xưa có một người đàn bà nghèo sinh được một con trai. Khi đứa trẻ ra đời người ta nhìn thấy chỏm đầu của nó còn nằm trong bọc nhau, người ta tiên tri là năm mười sáu tuổi nó sẽ lấy được công chúa...

Aladdin và cây đèn thần

Trong kinh thành một vương quốc thuộc Trung Hoa, rất giàu và rộng, có một người thợ may tên là Mustafa, đặc điểm không gì khác ngoài phong thái nghề nghiệp. Mustafa rất nghèo, công việc chỉ vừa đủ ăn cho ông, vợ và một đứa con trai...

Người mua giấc mơ

Ngày xửa ngày xưa có hai người lái buôn, một già một trẻ. Họ thường cùng nhau đi buôn chuyến. Một ngày họ đi đến bờ biển thuộc làng Teraddomai. Họ đã thấm mệt sau một chặng đường dài nên họ ngồi nghi một lát...

Rapunzel cô gái tóc dài

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia không có con, họ mong rằng ngày kia trời sẽ thương cảnh ngộ họ. Nhìn qua cửa sổ sau nhà thì thấy một mảnh vườn tuyệt đẹp, trồng toàn hoa thơm, các loại rau lạ...