Vương quốc vắng nụ cười

Ngày xửa ngày xưa, có một vương quốc buồn chán kinh khủng chỉ vì cư dân ở đó không ai biết cười. Nói chính xác là chỉ có rất ít trẻ con cười được, còn người lớn thì hoàn toàn không. Buổi sáng, mặt trời không muốn dậy, chim không muốn hót, hoa trong vườn chưa nở đã tàn. Ra đường gặp toàn những gương mặt rầu rĩ, héo hon. Ngay kinh đô là nơi nhộn nhịp cũng chỉ nghe thấy tiếng ngựa hí, tiếng sỏi đá lạo xạo dưới bánh xe, tiếng gió thở dài trên những mái nhà…

Nhà vua, may sao, vẫn còn tỉnh táo để nhận ra mối nguy cơ [1] đó. Ngài họp triều đình và cử ngay một viên đại thần đi du học [2], chuyên về môn cười.

Một năm trôi qua, thời hạn học tập đã hết, nhà vua thân hành [3] dẫn các quan ra tận cửa ải đón vị đại thần du học trở về. Ai cũng hồi hộp mong nhìn thấy nụ cười màu nhiệm của ông ta. Nhưng họ đã thất vọng. Vị đại thần vừa xuất hiện đã vội rập đầu, tâu lạy:

– Muôn tâu Bệ hạ, thần xin chịu tội. Thần đã cố gắng hết sức nhưng học không vào.

Các quan nghe vậy ỉu xìu, còn nhà vua thì thở dài sườn sượt. Không khí của triều đình thật là ảo não. Đúng lúc đó, một viên thị vệ hớt hải chạy vào:

– Tâu Bệ hạ! Thần vừa tóm được một kẻ đang cười sằng sặc ngoài đường.

– Dẫn nó vào! – Nhà vua phấn khởi ra lệnh.

Cả triều đình háo hức nhìn con người phi thường vừa xuất hiện. Hóa ra, đó chỉ là một cậu bé chừng mười tuổi, tóc để trái đào [4]. Nhà vua bèn ngọt ngào bảo cậu:

– Hãy nói cho ta biết vì sao cháu cười được!

– Muôn tâu Bệ hạ, những chuyện buồn cười không thiếu đâu ạ. Ngay tại đây cũng có. Bệ hạ tha cho tội chết, cháu sẽ nói.

– Nói đi, ta trọng thưởng.

Cậu bé ấp úng:

– Chẳng hạn, sáng nay, Bệ hạ đã quên… lau miệng ạ.

Nhà vua giật mình, đưa tay lên mép. Một hạt cơm lăn xuống áo hoàng bào. Các quan đưa tay bụm miệng cười. Đến khi cậu bé chỉ quả táo cắn dở đang căng phồng trong túi áo của quan coi vườn ngự uyển [5] thì ai nấy đều bật cười thành tiếng.

Nhà vua gật gù. Thế rồi, ngắm nhìn cậu bé, ngài bỗng hỏi:

– Này cháu, vì sao nãy giờ cháu cứ đứng lom khom thế?

– Tâu Bệ hạ, ban nãy cháu bị quan thị vệ đuổi, cuống quá nên… đứt dải rút ạ.

Triều đình được mẻ cười vỡ bụng. Tiếng cười thật dễ lây. Ngày hôm đó, vương quốc nọ như có phép màu làm thay đổi. Đến đâu cũng gặp những gương mặt tươi tỉnh, rạng rỡ. Hoa bắt đầu nở. Chim bắt đầu hót. Còn những tia nắng mặt trời thì nhảy múa và sỏi đá cũng biết reo vang dưới những bánh xe. Vương quốc u buồn đã thoát khỏi nguy cơ tàn lụi.

 

Chú giải

[1] Nguy cơ: điều có thể gây ra tai họa lớn.

[2] Du học: đi học xa (thường là ở nước ngoài).

[3] Thân hành: tự mình làm, không để người khác làm thay.

[4] Tóc để trái đào: đầu cạo trọc, chỉ để lại vài ba mớ tóc trông như quả đào.

[5] Vườn ngự uyển: vườn hoa trong cung vua.

Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn...

Sự tích hòn Vọng Phu

Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con: đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng, thường để hai con ở lại nhà, dặn anh trông nom em gái...

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Nợ như chúa chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được...

Em bé thông minh

Ngày xửa ngày xưa, thưở ấy ở nước ta đang cần người hiền tài giúp nước, các quan trong triều cũng đã già cả rồi, sức không còn nhiều, nhà Vua bèn sai một viên quan đi dò la khắp nước để tìm ra người tài giỏi cùng vua lo toan việc nước...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...