Tôi sinh năm 1632, tại thành phố Ai-ớc, trong một gia đình nề nếp, nhưng không phải là dân ở đó. Bố tôi người Bờ-rem đến Hơn lập nghiệp. Buôn bán phát đạt và trở lên giàu có, ông chuyển đến Ai-ớc. Tôi là con trai thứ ba và rất được nuông chiều, chẳng phải tập làm một nghề nghiệp gì. Chỉ có ngồi rồi, đầu óc tôi sớm quay cuồng với nhiều mơ ước viển vông, táo bạo. Bố tôi đã cao tuổi lắm; ông luôn luôn cố gắng cho tôi được hưởng một sự giáo dục trọn vẹn và tốt đẹp. Nhưng chí hướng tôi lại khác hẳn. Ngày đêm tôi say sưa với cái thú đi biển, đến nỗi tôi ngang nhiên chống lại ý muốn và những mệnh lệnh của bố tôi. Tôi lại cũng bỏ ngoài tai tất cả những lời răn đe, hoặc van lơn khẩn thiết của mẹ tôi và bà con xóm giềng. Mọi người đều phàn nàn lo lắng cho tôi và đoán trước rằng cuộc đời tôi sẽ gặp nhiều nỗi đắng cay khổ cực. Một hôm, trong khi đi chơi lang thang tình cờ tôi gặp một người bạn sắp sửa đáp tàu biển của bố anh ta đi Luân-đôn. Anh ta mời tôi cùng đi. Và để lời mời thêm hấp dẫn, anh ta dùng ngay kiểu nói của thủy thủ, rằng tôi không phải trả tiền tàu. Thế là chẳng hỏi bố cũng chẳng chịu bỏ chút công báo tin cho gia đình biết, tôi phó mặc cho sự việc lôi cuốn đi, muốn ra sao thì ra. Tôi đến ngay chiếc tàu sắp nhổ neo đi Luân-đôn.
Đó là ngày 1-9-1651, ngày xấu nhất trong đời tôi. Có lẽ không có một tay giang hồ trẻ tuổi nào bị rủi ro sớm như tôi và dai dẳng như tôi. Chiếc tàu vừa ra khỏi con sông Hưm-bơ, gió biển đã trở mát và mặt biển cồn sóng dữ dội. Chưa từng đi biển, tôi say sóng và sợ kinh hồn. Thể xác và tinh thần tôi như rơi tõm vào một cơn mê sảng khủng khiếp không tả xiết, Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm chỉnh về việc làm nông nổi của mình, của một đứa con lêu lổng và ương ngạnh. Thế là những lời khuyên nhủ khôn ngoan, những giọt nước mắt, những lời khuyên của bố mẹ tôi, tất cả đều hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi. Lương tâm tôi cắn rứt và trách tôi sao lại coi thường những bài học bổ ích đến thế để đến nỗi xa rời bổn phận làm con! Trong lúc ấy, bão mạnh thêm, biển động dữ dội. Thực ra thì chưa thấm vào đâu so với những lần tôi gặp sau này, và trước hết là với tình trạng mấy ngày sau, nhưng chừng đó cũng đủ cho một người lần đầu làm quen với sóng nước phải chết khiếp. Trong cơn kinh hoảng, nhiều lần tôi tự hứa nếu tai qua nạn khỏi thì suốt đời sẽ không bao giờ đặt chân lên bất cứ một chiếc tàu biển nào để khỏi lâm vào tai nạn như lần này; tôi sẽ trở về với bố mẹ tôi và sống ngoan ngoãn theo những lời khuyên của họ.
Ngày hôm sau, gió tạnh, biển trở lại yên lặng, tôi bắt đầu quen dần. Chiều đến, trời trong hẳn, gió lặng ngắt, hoàng hôn thật êm ả. Mặt trời lặn, không gợn chút mây và sáng hôm sau mọc lên cũng như vậy. Gió nhẹ và êm, mặt biển phẳng như một tấm gương phản chiếu ánh mặt trời, tạo nên một cảnh tượng hết sức đẹp mắt. Ngày thứ sáu trong chuyến đi, chúng tôi đến cảng Y-ác-mao. Bị trái gió từ sau cơn băo, chúng tôi chưa đi được mấy đành phải ghé vào đó, nghỉ lại. Gió vẫn trái, theo chiều tây nam luôn bảy tám ngày. Suốt thời gian này tàu từ Niu-cát-tơn cũng vào cảng, chỗ hẹn hò chung của tất cả những ai chờ một cơn gió thuận để vào cửa sông Ta-mi-dơ. Nhưng đến ngày thứ tám, vừa sáng sớm, gió lại nổi lên dữ dội. Tất cả trai bạn trên tàu được lệnh hạ các cột buồm xuống, sắp xếp mọi thứ thật ngăn nắp và chèn thật kỹ cho tàu gọn nhẹ hơn. Đến trưa, biển nổi sóng kinh khủng. Mũi tàu luôn chúi xuống và sóng tràn qua tàu nhiều lần. Chủ tàu tức tốc ra lệnh thả neo cái; nhưng rồi chiếc tàu lại cũng bị đánh trôi đi, kéo lê cả neo. ông chủ tàu xưa nay nổi tiếng là người cương nghị, sống chết quyết giữ tàu đến cùng, vậy mà lúc này cũng luôn luôn thốt ra những lời tuyệt vọng. Khi ông ra vào phòng riêng hoặc đi gần tôi, tôi nghe thấy những tiếng kêu "Trời ơi! Chết mất! Chẳng còn trông mong gì nữa!".
Tôi nằm dài trong buồng riêng ở phía lái, không động đậy, người lạnh ngắt vì khiếp đảm. Vào quãng chiều, viên hoa tiêu và viên thuyền phó bàn với ông chủ tàu chặt cột buồm phía trước. ông này không chịu, nhưng viên thuyền phó nói rõ cho ông hiểu rằng nếu không làm như thế, nhất định tàu sẽ đắm ngay. Cuối cùng, ông chủ tàu phải bằng lòng. Cột buồm trước vừa chặt gãy thì cột buồm sau bị gió quật đảo qua đảo lại dữ dội đến nỗi cũng phải chặt nốt, sàn tàu trống trơn từ đầu đến cuối. Chiếc tàu của chúng tôi chắc chắn nhưng chở quá nặng; thỉnh thoảng thủy thủ lại kêu lên là tàu sắp đắm mất rồi. ấy thế mà cơn bão vẫn dữ dội, đến nỗi ông chủ tàu, viên thuyền phó và một số người khác thất vọng đến mức độ quỳ xuống cầu kinh, mỗi khi tưởng là tàu đắm. Đó là một hiện tượng hiếm thấy! Thế mà đã hết đâu! Vào khoảng nửa đêm, một người được cử xuống xem xét dưới hầm tàu bỗng kêu lên dưới đó có một lỗ hổng, rồi một người khác lại la rằng nước đã ngập tới bốn bộ. Thế là mọi người xúm lại bơm nước ra. Chỉ riêng hai tiếng "bơm nước" cũng đã khiến tôi kinh hoảng tột độ. Tôi ngã nhào xuống bất tỉnh. Lúc ấy thì ai lo phận nấy, chẳng thèm để ý đến tôi. Có ai đó gạt phắt tôi ra một bên, để mặc tôi nằm sóng xoài, yên chí là tôi đã từ giã cõi đời. Mãi một hồi lâu tôi mới tỉnh lại. Mọi người càng ra sức bơm, nhưng nước cứ càng dâng cao; rõ ràng là chiếc tàu sẽ đắm.
Tuy cơn bão đã có chiều dịu đi nhưng chiếc tàu không sao nổi trên mặt nước được, trước lúc có thể ghé vào một bến nào đó. ông chủ tàu quyết định bắn súng đại bác cầu cứu. Một chiếc tàu khác vừa đi qua liền thả xuồng xuống. Cũng phải vất vả vô cùng chiếc xuồng ấy mới tiến dần đến gần chúng tôi, nhưng loay hoay mãi không áp nổi được vào mạn tàu! Cuối cùng những tay chèo đã cố gắng tới mức liều mạng để cứu chúng tôi. Từ sau lái, chúng tôi quăng cho họ một chiếc dây thừng có buộc phao rồi tháo dây cho nó kéo dài mãi ra theo chiếc dây phao bập bềnh trên sóng. Đằng kia, họ cũng không quản hiểm nguy mệt nhọc, tìm cách bắt được đầu sợi dây thừng. Sau dó chúng tôi hết sức lôi họ về phía lái tàu rồi kéo nhau xuống xuồng. Tất cả đều gắng sức chèo về tàu nhưng không được. Thế là đành phải đồng ý với nhau rằng cứ để xuồng lênh đênh trên mặt biển, đồng thời hướng cho mũi xuồng vào phía đất liền chừng nào tốt chừng ấy. ông chủ tàu chúng tôi lại hứa rằng nếu xuồng có bị hư hỏng vì phải lướt trên bờ cát, ông sẽ xin bồi thường xứng đáng cho ông chủ tàu kia. Cứ như thế, khi chèo khi buông xuồng trôi theo gió thuận, chúng tôi hướng dần về phía bắc, cũng gần với Uán-tớc-tơn. Không đầy một khắc đồng hồ sau khi chúng tôi xuống xuồng, chiếc tàu bị đắm hẳn.
Chỉ từ lúc đó tôi mới hiểu thế nào là một chiếc tàu bị đắm. Chúng tôi chèo cật lực để tiến dần vào bờ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Khi xuồng nhô cao trên ngọn sóng thì từ xa trên bờ mọi người đã trông thấy nó. Có rất nhiều người đổ ra chạy dọc bờ biển, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trước khi chúng tôi vòng qua cột đèn biển ở Uán-tớc-tơn để tiến lại gần. Bên kia, bờ biển lõm vào phía tây, phía Cơ-rô-mơ, và như thế thì luồng gió mạnh cũng đã bị chắn bớt. Chính ở đó, chúng tôi sung sướng bước lên đất liền. Chúng tôi cuốc bộ về Y-ác-mao, được đối xử ân cần, và những người bị nạn thấy được an ủi. Tòa án cấp cho chúng tôi mọi thứ chứng từ, các nhà buôn cùng các ông chủ tàu thì tặng chúng tôi khá nhiều tiền bạc để có thể về tới Luân-đôn hoặc Hơn, tùy ý mỗi người. Đáng ra tôi phải khôn ngoan tìm đường về Hơn với gia đình. Đó là con đường tôi phải theo để được sung sướng. Chắc chắn bố tôi sẽ mổ bò ăn mừng. Nhưng thấy trong túi còn rủng rỉnh ít tiền, tôi lại đi bộ ra Luân-đôn...