Cái chân biết hát
Tôi có một ông bác tên là Hécbéc Giêm. Bác tôi năm mươi hai tuổi, làm ở hiệu giặt ủi quần áo. Một bữa nọ, trước lễ Giáng sinh, ông trở về nhà trên một chiếc xe buýt người đông như nêm cối. Bỗng ông nghe thấy tiếng hát cất lên từ một nơi nào đó ở bên trong chiếc giày. Bác tôi cúi xuống và quả thật – thấy chân phải của ông hát véo von! Ông định điều chỉnh âm thanh cho nhỏ bớt bằng cách buộc chặt chân giày lại nhưng lại thu được kết quả như sau: thay vì giọng nam trung sâu lắng lại vút lên một thứ giọng nam cao nghẹn ngào. Ông Giêm xuống ở bến xe sau rồi cuốc bộ về nhà, nhưng cái chân phải của ông vẫn cứ vui vẻ hát.
May sao bác tôi biết lời bài hát đó và ông chẳng mấy khó khăn làm ra vẻ như chính ông đang hát chứ không phải một người nào khác và những người xung quanh không chú ý đến điều đó.
Ông nghỉ ở nhà ba ngày liền, song trong lòng vẫn không thấy thanh thản bởi vì cái chân phải gió nọ cứ tiếp tục hát. Ông định cứu vãn tình thế bằng cách thọt chân vào thùng cát, nhưng tình hình càng trở nên tồi tệ hơn bởi vì bây giờ cái chân hát cả ban đêm nữa. Đúng ba giờ sáng ông bị đánh thức dậy bởi những câu hát trong bài “Những người chèo thuyền” và bài “Anh chàng Đơrây đến miền Tây”. Bác tôi bèn nói với bà Phácgiơ là người biết phép trừ tà ma yêu quái. Bà ta lấy một cành hạt dẻ vừa huơ chung quanh mắt cá chân của ông vừa lẩm nhẩm đọc mấy câu thần chú rồi đốt cả hai chiếc bít tất của bác tôi, nhưng cái chân bỗng cao hứng hát rõ to bài “Khúc ca hoang mạc”.
Theo lời khuyên của bác sỹ, bác tôi tìm đến nhà ông Ranphơ là một chuyên gia nổi tiếng về chân phải.
– Xin mời ông ngồi – con người vĩ đại nói. – Ông có chuyện gì cần nhờ đến chúng tôi thế?
– Thưa… cái chân phải của tôi..
– Tất nhiên rồi – Ông Ranphơ dịu dàng nói – Nhưng ông có thể nói rõ hơn một chút được không?
– Nó biết hát!
Ông Ranphơ trợn mắt:
– Ông vừa nói rằng cái chân biết hát?
– Vâng, vì nó có cái giọng nam trung sâu thẳm – bác tôi buồn rầu đáp.
Ông Ranphơ hí hoáy viết cái gì đó.
– Tôi muốn ông đến gặp bác sỹ tâm thần! – Ông Ranphơ vừa bắt đầu nói thì đúng lúc ấy cái chân của bác Giêm bỗng đằng hắng rồi cất tiếng hát eo éo.
– Hãy gượm! – Sếp Ranphơ nói – Tôi sẽ đi cùng với ông.
… Tất cả giới y học vô cùng bối rối. Với tư cách là biện pháp tạm thời, bác Giêm thử một chiếc giày có tác dụng giữ âm thanh không lọt ra ngoài và một đôi nút bịt tai.
Một hôm trong câu lạc bộ, đang lúc phấn khởi, ông cởi giày để đám thanh niên ngồi ở đó nghe được bài hát, nhưng còn bản thân ông thì điều đó không mang lại niềm vui.
Tin đồn về cái chân biết hát của ông lan khắp thành phố và một công ty nọ đã ký với ông một hợp đồng trị giá 500.000.000 bảng Anh chỉ cốt ghi được bài hát của cái chân vào đĩa nhựa.
Người ta đã thành lập cả một ban nhạc đặc biệt mang cái tên giật gân là “Nấm mồ”. Đúng là một sự kiện gây chấn động nhất trong năm. Trên các tấm bảng quảng cáo sáng rực dòng chữ: “Ngài Giêm với một chân trong “Nấm mồ”!”. Nhưng chẳng bao lâu bác tôi hiểu rằng bản thân ông chả có liên quan gì với sự việc đang xảy ra cả bởi lẽ được nổi tiếng là cái chân của ông chứ không phải chính ông. Công ty đã mở một tài khoản trong ngân hàng cho cái chân phải của ông. Cái chân trái của ông vẫn đi chiếc giày cũ mèm vẹt cả đế, thế nhưng cái chân phải lại diện một chiếc ủng đắt tiền làm bằng da cá sấu. Sự thể đi đến chỗ là ông buộc phải thường xuyên cởi giày để cái chân ông có thể ban phát chữ ký cho mọi người!
Tất cả những chuyện đó đã khiến ông Giêm chán ngấy! Cái chân phải làm ông bực mình ghê gớm, ông đâm ghen với nó và vào một đêm nọ, trong lúc bị cơn ghen hành hạ, ông đã rút súng bắn thẳng vào nó xuyên qua mu bàn chân.
May mắn thay, từ đó trở đi, cái chân không còn hát nữa. Ông Giêm lại bị chìm trong quên lãng và lại đến làm ở hiệu giặt là. Ông năm mươi hai tuổi và ông rất hạnh phúc, có điều bây giờ ông đi hơi cà nhắc một chút.