Hồ Soa trồng rừng

Trước năm 1995, cả vùng rừng Trường Xuân đều là đồi trọc khô cháy. Cây cối bị dân bản phát trụi và đốt hết để làm cái rẫy, tra hạt ngô, hạt bí. Mùa mưa, nước chảy ầm ầm xuống sau nhà. Những năm đó, cả nhà Hồ Soa và cả bản Khe Dây đều đói. Sau mùa thu hoạch cây ngô, cây lúa nương vài tháng là không còn gì để ăn nữa. Dân bản chỉ còn biết kéo nhau vào rừng đào củ mài, tìm hái cái lá, quả rừng về cho con cái ăn. Hồ Soa theo nhiều người lên rừng sâu tìm trầm. Không kiếm được trầm thì kéo nhau về rừng chặt cây gỗ, bán lấy tiền mua gạo. Rồi đua nhau lên phát cả rừng gần, rừng xa, đốt hết để làm rẫy…

Nhưng cứ chặt rừng, đốt rẫy hoài thì cũng đến ngày rừng hết cây, hết mọi thứ, lấy chi mà sống ? Hồ Soa suy nghĩ nhiều lắm và nghĩ tới chuyện trồng rừng.

Trước tiên, Hồ Soa xin Uỷ ban nhân dân xã giao cho mình đất đồi để trồng thử cây rừng. Cán bộ Uỷ ban hỏi muốn nhận đất ở đâu. Anh nói: “Mình muốn nhận đất quanh nhà mình trước đã.” Thế là anh nhận 10 héc-ta đồi trọc ngay sau nhà. Ngày đầu, Hồ Soa lên đồi đào hố, trồng cây một mình. Đồi trọc khô rang dưới nắng. Cái cuốc bập xuống mặt đồi cằn cỗi toàn sỏi đá cứ muốn nhảy lên tay người, nhưng anh nghĩ: “Mình là người đầu tiên làm cái “dự án” này mà làm không được thì biết nói với Ủy ban xã thế nào?” Mấy hôm sau, vợ anh thương chồng nên cùng lên đồi làm với anh.

Qua một tháng, một vùng đồi được đào xong hố chờ trồng cây. Nhưng không có vốn mua cây, Hồ Soa phải đi vay tiền. Trồng cây xuống, cây sống, anh mừng đến lặng người đi. Tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng rừng, ngày nào hai vợ chồng cũng theo nhau lên đồi đào hố, trong đầu chỉ có một ý nghĩ: sau này sẽ bán được cây rừng.

Qua hơn hai năm vật lộn với đất, đến cuối năm 1995, bốn triền đồi trọc với 10 héc-ta đã được phủ kín bằng bạch đàn, keo lai, tràm hoa vàng. Đây là diện tích trồng rừng đầu tiên ở vùng Trường Xuân. Có rừng rồi, Hồ Soa vẫn băn khoăn : “Một mình mình trồng thì chỉ thành được cái vườn rừng thôi, cả bản trồng thì mới thành rừng xanh được.” Để đồi trọc xung quanh bản thành rừng, năm 2000, Hồ Soa lựa nhổ một số cây giống đem bán. Không may cho anh, năm đó đột nhiên người ta chững lại việc mua cây rừng trồng. Nhưng năm sau có nhiều người lên mua cây trở lại và anh đã bán được 20 triệu đồng. Anh bỏ ra vài triệu đồng làm căn bếp mới, còn lại để tiếp tục trồng rừng.

Thấy rõ việc làm đem lại lợi ích của Hồ Soa, bà con hồ hởi bảo nhau : “Hồ Soa có rừng bạch đàn cho tiền rồi, có người mua nữa rồi!” Nhưng bà con vẫn hoài nghi: “Nếu sau này lại không mua thì sao ?” May là tỉnh đang xây dựng nhà máy chế biến gỗ từ cây rừng trồng, nên Hồ Soa quả quyết với dân bản: “Bà con cứ trồng, tôi xin đứng ra nhận mua hết cây, nếu không tôi… trả bà con rừng cây của tôi!” Thế là bà con nghe anh. 23 hộ ở bản Khe Dây đều kéo nhau lên Ủy ban nhân dân xã xin nhận hơn 50 héc-ta đất đồi trọc quanh bản để trồng cây bạch đàn.

Trưởng bản là Hồ Vân cũng nhận 2 héc-ta. Ông cho biết: “Năm vừa rồi, nhiều nhà trong bản đã chặt cây, đem bán, thu được tiền. Mấy nhà dùng tiền bán cây lợp được nhà, khỏi bị dột nước. Vài năm nữa, cây lên to lại bán nữa, mua ti vi, sắm cái xe máy rè rè đi chợ. Nhờ công của Hồ Soa cả đó.”

Nay thì hơn 50 héc-ta đất đồi núi trọc quanh bản Khe Dây đã xanh tươi cây bạch đàn, keo lai, tràm hoa vàng. Bà con không kéo nhau vào rừng tìm cái ăn nữa. Hồ Soa là người vui nhất, vì dân bản đã cùng trồng được rừng cây. Nhưng anh không dừng lại ở 10 héc-ta rừng trồng đầu tiên. Năm 2004 và 2005 anh nhận thêm 14 héc-ta đất đồi trọc nữa. Vừa qua anh trồng xong 4 héc-ta cây bạch đàn, vậy là Hồ Soa đang có 14 héc-ta cây. Anh còn tìm giống cây gió trầm về và trồng được hơn 100 cây rồi.

Anh bảo: “Sống ở rừng thì phải giàu nhờ cái rừng thôi. Vài năm nữa mình bán được bảy, tám chục triệu đồng từ rừng cây này đó, mình biết là sẽ được tiền mà!”

Xem thêm