Hòn đá thần

Ngày xưa, có hai vợ chồng ông Lâm, nhà nghèo lại phải nuôi một đàn con năm đứa đang tuổi ăn tuổi chơi. Hai vợ chồng làm lụng hết sức mà vẫn không kiếm đủ sống.

Có một năm trời đại hạn, nạn đói diễn ra khắp mọi nơi. Hai vợ chồng cố kiếm việc làm nhưng chẳng ai thuê. Cuối cùng, nhà hết gạo, ông Lâm phải vác thuổng [1] lên rừng đào củ mài [2]. Đào mãi, sức đã kiệt mà vẫn không được gì. Nghĩ đến đàn con nheo nhóc phen này khó tránh khỏi chết đói, ông ôm mặt khóc nức nở.

Bỗng có một ông tiên hiện ra trước mặt, hỏi:

– Vì sao ông đến đây ngồi khóc?

Ông trả lời:

– Đàn con bé bỏng của tôi đến chết mất. Từ lâu chúng tôi nhịn ăn nhịn mặc để nuôi chúng. Nhưng bây giờ thì tôi đành bó tay, không kiếm nổi miếng gì cho chúng nữa.

Nghe ông Lâm kể lể, ông tiên động lòng, lấy ra một cái hũ và nói:

– Ta thương ông đói khổ. Ta cho ông cái hũ này, cần bao nhiêu tiền cứ nói lên ba lần, rồi dốc hũ ra là sẽ có ngay. Nhưng nhớ là đừng có để lộ cho người ngoài biết.

Ông Lâm nhận lấy cái hũ, cảm ơn rồi từ biệt. Về đến nhà, ông kể lại mọi việc cho vợ con nghe, rồi đặt hũ xuống đất nói: “Cho chúng tôi một quan tiền để đong gạo”. Quả nhiên, sau lần hô thứ ba, ông cầm hũ dốc xuống, liền loảng xoảng tuôn ra vừa đúng một quan. Từ đó gia đình ông sống no đủ.

Tuy người bố đã dặn đi dặn lại, mấy đứa con dại dột vẫn để lộ cho một người láng giềng biết việc gia đình có cái hũ tiền của tiên cho. Người này đến khoét vách rình xem, thấy quả đúng như thế, bèn đi báo quan.

Quan lập tức kéo lính về nhà ông Lâm, quát hỏi:

– Nhà ngươi hãy đưa cái hũ ra đây, rồi cứ sự thực mà khai thì sẽ được nhẹ tội.

Không thể giấu được, ông Lâm đành đưa cái hũ ra trình quan và kể lại đầu đuôi sự việc. Khi thấy những đồng tiền tròn lăn xuống, viên quan nhặt lên, ngắm nghía, đôi mắt long lên sòng sọc vì ngạc nhiên và thèm muốn. Hắn lập tức sai lính thu lấy cái hũ và bảo:

– Nhà ngươi dùng phép ma thuật quỷ, đó là tội rất nặng. Hãy đem cái hũ về dinh [3] rồi sẽ xử tội sau.

Mất cái hũ quý mà không biết kêu van ai, ông Lâm hết sức xót xa. Ông lại lên rừng tìm đến chỗ đào củ mài ngày trước, mong gặp lại ông tiên. Bỗng dưng ông tiên lại xuất hiện:

– Có việc gì mà ông lại đến đây?

Ông Lâm khóc lóc kể lại đầu đuôi việc quan cướp mất cái hũ. Nghe xong ông tiên bảo:

– Ông đừng lo, ta cho ông vật này để đòi lại cái hũ.

Nói rồi ông đưa ra một hòn đá và dặn:

– Ông hãy đưa hòn đá này đến trước mặt quan và nói: “Hỡi đá thần, hãy thi hành công lí [4]” thì quan sẽ trả lại cái hũ. Được hũ rồi, ông nói tiếp câu: “Tha vậy!”.

Ông Lâm cầm lấy hòn đá, cảm tạ ông tiên rồi ra về. Vợ chồng, cha con giả vờ thì thào với nhau về hòn đá thần. Người láng giềng tưởng ông lại có vật gì quý, liền đi trình quan. Biết tin, quan lại kéo lính đến nhà bắt ông Lâm phải nộp. Ông Lâm nhanh nhảu đáp:

– Vâng, để tôi xin đi lấy.

Ông lấy hồn đá thần ra và nói: “Hỡi đá thần, hãy thi hành công lí!”.

Lập tức, hòn đá vọt ra, văng vào mặt quan, rơi xuống lại văng lên bốp, bốp,… Quan đau quá, bỏ chạy. Nhưng chạy đến đâu hòn đá cũng văng theo. Bọn lính xông ra cản cũng bị đá văng cho tối tăm mặt mũi. Cuối cùng, quan phải van lạy ông Lâm:

– Thôi, thôi! Ta xin trả lại cái hũ!

Ông Lâm bèn nói: “Tha vậy!”. Hòn đá thần lập tức ngừng bắn và trở về nằm gọn trong bàn tay ông.

Cả quan lẫn lĩnh mặt mũi sưng vêu, lủi thủi kéo nhau về đưa cái hũ đến trả cho ông Lâm. Người láng giềng xấu bụng tuy chưa bị trừng phạt cũng sợ mất vía mà đến xin lỗi ông. Từ đó gia đình ông Lâm sống yên ổn và hạnh phúc.


Chú giải

[1] Thuổng: đồ dùng có lưỡi sắt hình khuôn, cán bằng gỗ, dùng để đào hố,
[2] Củ mài: loại củ có tinh bột mọc trên rừng, củ ăn sâu xuống đất nên phải đào hố mới lấy được.
[3] Dinh: nơi ở và làm việc của quan lại trong xã hội phong kiến.
[4] Công lí: lẽ công bằng trong xã hội.

Xem thêm