Tại sao bề mặt cốt thép có loại có gân, có loại lại trơn nhẵn?
Trên công trường xây dựng thường chất đầy các loại cốt thép to nhỏ khác nhau, trong đó, có một số cốt thép bề mặt của nó được cán thành gân kiểu xoắn ốc, trái lại một số hoàn toàn trơn nhẵn. Tại sao vậy?
Vật liệu thép thông thường trong xây dựng, tuỳ theo cường độ chịu kéo của nó, có thể chia thành bốn cấp, trong đó thép cấp I có cường độ thấp nhất, trên mỗi cm2 có thể chịu lực kéo 2,35 x 10 N, thép cấp II mỗi cm2 có thể chịu được lực kéo 3,34 x 10 N, chúng là vật liệu thép chủ yếu để đúc bê tông cốt thép ở công trường. Cường độ của thép cấp III và cấp IV đương nhiên là càng lớn hơn, thường dùng để chế tạo cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn ở trong nhà máy.
Độ to nhỏ của cốt thép được biểu thị bằng số mm của đường kính, cách nhau từng bậc 2 mm, ví dụ đường kính 4 mm, 6 mm, 8 mm, 10 mm v.v. cho đến 22 mm; cốt thép có đường kính vượt quá 22 mm thì lại cách nhau từng bậc 3 mm, ví dụ 25 mm, 28 mm v.v.
Cường độ thép cấp I tương đối thấp; thường dùng ở những chỗ chịu lực tương đối nhỏ. Dù bề mặt cốt thép trơn nhẵn, mức độ kết hợp giữa nó với bê tông cũng có thể thoả mãn yêu cầu, vì vậy thép cấp I là thép trơn thường gọi là "thép tròn", phạm vi đường kính của nó bắt đầu từ 4 mm. Nhưng để nâng cao khả năng chịu kéo của cốt thép trong bê tông, ở hai đầu của nó thường uốn cong như hình cán ô che mưa. Thép cấp II có cường độ cao, thường dùng ở những nơi chịu lực tương đối lớn. Vì chịu lực lớn, nên giữa cốt thép và bê tông cần "cắn" chặt với nhau, do đó, bề mặt của loại cốt thép này được cán thành gân xoắn ốc, nên được gọi là "thép gân xoắn". Đường kính của nó tương đối lớn, bắt đầu từ 10 mm trở đi.