Tại sao động vật biết áp dụng "chính sách nhượng bộ"?
Trong thế giới động vật, hiện tượng tranh đấu là hiện tượng không có gì mới. Song chúng cũng có nguyên tắc tranh đấu của chính mình, đó chính là áp dụng "chính sách nhượng bộ" để tránh hết mức việc đổ máu và ngăn chặn xuất hiện cuộc tranh đấu "một mất một còn". Tại sao vậy? Các nhà khoa học cho biết có hai nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, động vật cũng biết suy nghĩ đến hậu quả. Bởi vì khi động vật tranh đấu, kẻ bại chắc chắn sẽ bị thương, thậm chí có thể mất mạng, và kẻ thắng cũng có thể bị thương. Do vậy, kẻ mạnh sẽ hết sức tránh bị thương, để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường sau này của mình, nên khi đánh nhau thường sẽ "không chấp kẻ yếu".
Thứ hai, động vật cũng có cách ngừng tranh đấu giữa chừng. Nói chung, nếu như sức lực của hai bên khác nhau xa, chúng sẽ không đánh nhau nữa, cùng lắm chỉ là xung đột một chút. Chỉ khi sức lực của cả hai bên chênh lệch không bao nhiêu thì mới có thể nổ ra cuộc tranh đấu kịch liệt. Song sau khi hai bên qua mấy hiệp đọ sức, sức mạnh yếu sẽ dần dần thay đổi rõ rệt. Lúc này thường là kẻ yếu có khả năng tự biết mình sẽ tự nhận thua hoặc thể hiện tư thế đầu hàng để cầu mong đối phương khoan dung, đó chính là đầu hàng. Ví dụ, khi hai con sư tử đánh nhau, chỉ cần một bên vươn cổ sang phía địch thủ, thì đối phương biết đây là tín hiệu của "khuất phục" liền áp dụng chính sách "nhượng bộ", lập tức ngừng tấn công. Ví dụ như khi hai con chó đang cắn lẫn nhau, chỉ cần một con nằm ngã xuống đất ngửa bụng lên trời, thể hiện "bái phục chịu thua" thì trận tranh đấu này sẽ kết thúc.