Tại sao gấu Bắc Cực không sợ lạnh giá ở Bắc Cực?

Bắc Cực là một thế giới tràn ngập băng tuyết. Đối mặt với khí hậu lạnh giá như vậy, có nhiều loài động vật to lớn lùi bước, nhưng gấu Bắc Cực lại có thể sinh sống một cách vui vẻ ở đó. Tại sao gấu Bắc Cực lại không sợ lạnh nhỉ?

Đó là bởi vì bộ lông của gấu Bắc Cực rất khác thường, kết cấu đặc biệt của chúng có tác dụng giữ nhiệt rất tốt.

Chúng ta đã biết, phàm là những động vật có thân nhiệt cao hơn so với nhiệt độ Trái Đất thì đều có thể dùng máy ảnh tia hồng ngoại hàng không để chụp, nhưng lại không thể chụp được gấu Bắc Cực. Hoá ra thân nhiệt của gấu Bắc Cực và nhiệt độ băng tuyết của vùng Bắc Cực gần như bằng nhau. Nếu như chuyển sang dùng máy ảnh tia tử ngoại để chụp thì sẽ chụp được gấu Bắc Cực một cách rõ nét, hơn nữa, trên ảnh chúng còn đậm hơn nhiều so với màu sắc của băng tuyết xung quanh. Điều này cho thấy bộ lông màu trắng của gấu Bắc Cực có thể hấp thu được tia tử ngoại, cho nên mới được máy ảnh tử ngoại chụp rõ nét như vậy.

Tại sao bộ lông màu trắng của gấu Bắc Cực có thể hấp thu được một lượng lớn tia tử ngoại như vậy? Dùng kính hiển vi điện tử quan sát bộ lông của gấu Bắc Cực sẽ phát hiện thấy những sợi lông trắng đó giống như những chiếc ống rỗng, bên trong sợi lông không hề chứa bất kì một sắc tố nào. Nhìn bình thường sở dĩ nó có màu trắng là vì bề mặt trong của ống lông tương đối thô ráp, giống như những bông tuyết trong suốt khi rơi xuống đất thì có màu trắng vậy. Quan sát kĩ hơn nữa sẽ phát hiện thấy loại ống lông này có thể để cho tia tử ngoại xuyên qua tâm, giống như một ống dẫn tia tử ngoại thông suốt vậy. Điều này chứng tỏ gấu Bắc Cực có thể hấp thu gần như toàn bộ ánh sáng Mặt Trời bao gồm cả tia tử ngoại chiếu trên mình nó để làm tăng thân nhiệt của mình lên.

Gấu Bắc Cực có bộ lông vừa dài vừa dày, lại vừa rộng, thêm vào đó có thể hấp thu đầy đủ ánh sáng Mặt Trời, nên chúng không sợ cái lạnh giá ở vùng Bắc Cực. Bộ lông của gấu Bắc Cực cũng đã trở thành một trong những bộ lông giữ nhiệt tốt nhất trên thế giới.

Xem thêm