Tại sao phải nghiên cứu chế tạo ra người máy điện nguyên tử?

Thập niên 70 của thế kỉ XX, do liên tiếp xảy ra hai vụ sự cố điện nguyên tử, cho nên khi người ta nói tới cụm từ năng lượng điện nguyên tử thì không khỏi lo âu. Thậm chí có người còn xếp liền nhà máy điện nguyên tử với bom nguyên tử. Thực ra đó chỉ là một sự hiểu lầm. Hơn 40 năm qua, tình hình vận hành của nhà máy điện nguyên tử chứng tỏ rằng điện nguyên tử là một loại nguồn năng lượng an toàn, đáng tin cậy.

Cái an toàn nói ở đây là chỉ việc nhà máy điện hạt nhân không gây nên bất cứ ô nhiễm nào cho môi trường xung quanh. Còn về các nhân viên thao tác nhà máy điện nguyên tử thì không thể tránh được việc phải đánh bạn với cái thứ nguy hiểm có tính phóng xạ. Lò phản ứng hạt nhân là một loại thiết bị công nghiệp, về phương diện biện pháp an toàn hoặc áp dụng điều khiển bằng máy tính cũng đều đạt mức cao nhất. Dù cho trong điều kiện như vậy vẫn có nhiều vị trí cần có người tiến hành công tác để đảm bảo sự vận hành bình thường của nhà máy.

Lò phản ứng hạt nhân hằng năm phải ngừng chạy để kiểm tra sửa chữa. Công tác kiểm tra này tuy cơ bản đã thực hiện tự động hóa, ví dụ dùng thiết bị trao đổi tự động nhiên liệu, thiết bị truyền tải tự động đường ống, thiết bị kiểm tra thương tổn tự động bằng sóng siêu âm; nhưng ít ra còn có người phải thao tác trên các bảng đồng hồ đo.

Lò phản ứng hạt nhân trong quá trình vận hành khi xảy ra sự cố gì hoặc là xuất hiện trục trặc nào thì phải tiến hành điều tra sự cố và trục trặc hỏng hóc, để kịp thời sửa chữa bộ phận bị hỏng.

Để tiện việc kiểm tra bảo dưỡng với lò phản ứng hạt nhân và khiến cho nhân viên thao tác bị bức xạ hạt nhân thấp nhất, các nhà khoa học đã nghiên cứu chế tạo thành công loại người máy điện nguyên tử chuyên dùng cho việc xử lí các sự cố ở các vị trí nguy hiểm. Người máy điện nguyên tử khi kiểm tra lò phản ứng đương nhiên là có tia phóng xạ rất mạnh nhưng cũng vẫn bình thản như không, đâu có hề run sợ.

Xem thêm