Tại sao trên đường cao tốc không có đèn đường?
Vào ban đêm, khi đi ô tô trên đường cao tốc, bạn sẽ thấy các ô tô chạy ở phía trước đủ màu sắc rực rỡ, những biển báo bên đường sáng lấp lánh như đèn màu ngày lễ, ngày tết, các vạch kẻ trên mặt đường rõ ràng sáng loáng chỉ hướng tiến lên của ô tô. Tuy nhiên, nếu bạn quay đầu nhìn ra sau, bạn sẽ không còn thấy cảnh rực rỡ ấy nữa, chỉ thấy một màn đêm tối bưng, ngay cả đèn đường thông thường cũng không thấy. Tại sao vậy?
Trên đường cái thông thường, nói chung đều có đèn chiếu sáng. Nhưng độ chiếu sáng của đèn đường rất kém, ngoài ra, còn phát ra ánh sáng khuếch tán, dễ khiến cho người lái loá mắt, có lúc lại gây khó khăn cho việc nhận biết các biển báo giao thông, vạch kẻ chỉ dẫn mặt đường và các chướng ngại vật. Lưu lượng xe trên đường cao tốc tương đối lớn, tốc độ nhanh, yêu cầu chiếu sáng cao, nếu vì ánh sáng đèn đường chiếu xuống mà ảnh hưởng đến sự quan sát của người lái xe thì sẽ rất nguy hiểm. Do đó, trừ những đoạn đường mà ở dọc đường có trạm bơm xăng, trạm sửa chữa, bốt điều khiển, v.v., nói chung trên đường cao tốc không dùng đèn đường để chiếu sáng. Tuy nhiên, khi lái xe trên đường cao tốc, cũng không phải tối đen như mực. Người ta đã dùng một loại vật liệu mới - màng phản quang được chế tạo bằng những hạt thuỷ tinh cực nhỏ, màng này phải được phủ lên các biển báo giao thông, các vạch kẻ chỉ dẫn mặt đường và các thiết bị của vật kiến trúc khác, trở thành những biển báo phản quang. Bình thường chúng không phát quang, chỉ khi nào đèn pha ô tô chiếu vào, chúng mới phản xạ ánh sáng trở lại mắt người lái. Loại biển báo phản quang này có hiệu suất phản xạ ánh sáng lớn gấp trăm lần loại sơn thông thường, có thể phản xạ đến 1000 m. Có nghĩa là, người lái ở xa ngoài 1000 m có thể phát hiện được các điểm phát quang đó; ở chỗ cách 400 m có thể phân biệt màu sắc hình vẽ và ký hiệu của biển báo hiệu, ở cách trên dưới 200 m còn có thể nhìn thấy rõ các chữ trên biển báo. Nhờ vậy mà bảo đảm chạy ban đêm được an toàn.
Màng phản quang bằng hạt thuỷ tinh cực nhỏ được làm bằng thuỷ tinh quang học có chỉ số khúc xạ cao, sau đó đem dán lên màng kim loại. Đường kính của hạt thuỷ tinh chỉ bằng 1/2 đường kính sợi tóc. Thông thường, sự phản xạ của vật thể trên đường đối với ánh sáng đèn là phản xạ chân không có quy tắc. Nghĩa là hầu hết ánh sáng đều phản xạ ra xung quanh một cách lãng phí, chỉ có một bộ phận nhỏ phản xạ trở lại nguồn sáng, do tác dụng khúc xạ của các hạt thủy tinh và tác dụng phản xạ của màng kim loại khiến cho tia sáng phản xạ song song định hướng trở về nguồn sáng, làm cho mặt phẳng được chiếu sáng có thể nhìn thấy tốt nhất. Do đó, màng phản quang có thể phát ra ánh sáng rực rỡ trong bóng tối, mà bản thân không cần tiêu tốn năng lượng.
Hiện nay, vật liệu phản quang không những dùng trên đường mà còn được dùng trên trang phục của nhân viên quản lý giao thông, trên cặp sách của học sinh, trên lốp xe đạp, v.v., nó sẽ phát huy tác dụng đối với công tác an toàn giao thông.