Thư gửi bố!
Khi mấy thằng bạn cùng phòng đi chơi hết, con ngồi ở nhà. Con ngồi với bốn bức tường, với chiếc máy vi tính second hand mệt mỏi, với chính sự trống vắng trong lòng của thời mới lớn. Con mới hiểu rằng, suy cho đến kiệt cùng, bố và con là hai thế hệ. Hai thế hệ cách nhau thêm vài thế hệ nữa. Bố mải toan tính việc đời, con mê việc vui chơi ngông cuồng. Hai bố con mình cứ mải miết đi theo hai dòng chảy của thế hệ mình, bố mang trên vai một gánh vác trách nhiệm và bổn phận, còn con mang một phi thuyền mơ ước trên đôi tay và lúc nào con cũng ước mình có cánh để bay.
Con nhớ như in cái ngày con thi trượt đại học. Con đi lang thang trên cánh đồng trước nhà. Con phóng xe vào thành phố, ném mình vào mấy quán games thâu đêm. Bố đi tìm con. Bố tát con giữa lòng thành phố. Hôm ấy có cả những ngọn đèn đường, chúng cháy man dại một màu vàng sậm. Bố gầm lên:“Tại sao mày điên loạn đến thế nhỉ. Mà sao mày không khóc lên nhỉ! ”. Tại sao bố lại đòi hỏi một thằng con trai khóc, cho dù cái đau đớn đáng khóc đến thế nào đi nữa. Lúc ấy con nghĩ chắc bố muốn con thành một chàng trai hiền lành trong truyện ngắn “Những trái tim nhút nhát” của Pauxtopxki.
Nhưng con không thể say mê như chàng trai ấy, thời của con khác với thời của họ. Con cũng có thể nghe lời, cũng có thể làm phi công, có thể sẵn sàng hy sinh anh dũng cho quê mình. Đó là một lý tưởng cao đẹp. Nhưng không phải cứ nhất thiết phải theo nhịp ước mơ như thế. Con có ước mơ của con, con sống cuộc đời của con. Giá như hôm ấy bố nói: ” Thôi nào, chàng trai, con bỏ bản lĩnh của mình đâu rồi…”. Chỉ cần bố nói một câu như thế, con sẽ trở về, con sẽ bình thản sống. Nhưng bố không làm được điều đó. Bố cho rằng, con là đứa ngông cuồng xốc nổi, con ham hố và ích kỷ, cứ dựa dẫm vào cái mác tuổi trẻ để ích kỷ hết ngày này sang tháng khác. Bố không hiểu nổi con lao vào thành phố để làm gì… Có gì hay ho ở đó…
Cũng như con, không bao giờ con có thể hiểu những câu chuyện xưa cũ của bố bên ấm trà với mấy ông bạn già, con không hiểu những chuyến đi dài ngày trong những đợt nghỉ phép của bố có mạch tâm linh nào đưa lối. Tất cả…. thực lòng là con không hiểu và con không cố gắng cắt nghĩa mọi chuyện rõ ràng. Bởi vì bên cạnh con còn bao nhiêu điều nữa, có sức cám dỗ ghê gớm. Bởi vì con còn quá trẻ, con là đứa trẻ sinh ra giữa một bầu trời khoáng đạt, ngăn ngắt xanh.
Rồi con cũng vào đại học, và làm việc như một thầy tu. Con kiếm tiền. Lúc ấy con nghĩ, thoát khỏi vòng cương tỏa của bố là một điều sung sướng. Nhưng những va đập nơi phố thị làm con lớn lên, con có nhiều buổi tối trống rỗng như thế này. Con không về nhà, kể cả ngày Tết. Cho dù khoảng cách chưa đầy 100 cây số. Con không yêu quí nơi này như quê nhà. Nhưng con sợ những nỗi buồn vây quanh căn nhà ta, con sợ bố mỏi mệt vì rượu và sương lạnh xứ rừng, con sợ bố cho rằng, con không sống nổi phải quay về dựa dẫm. Con cứ trùng trình. Để rồi con giật mình khi đọc “Tuyệt”, con lạnh lòng khi một sớm mai nào, con cũng như chàng trai kia, trở về nhà thì bố đã ra đi. Mãi mãi.
Và tận khi ấy, con mới hiểu rằng, bố không chăm sóc con như những ông bố khác, bố không nuông chiều con như những ông bố khác, bố luôn đòi hỏi ở con một sự vâng lời hoàn thành niệm vụ một cách xuất sắc. Bố xù xì thô mộc. Bố không bao giờ biết nói những lời có cánh. Bởi vì bố là người lính. Bố chỉ biết nói như vậy.
Cũng phải cho đến tối nay, con mới dám thú nhận với mình rằng con ích kỉ và tình thương của bố mới khác thường làm sao. Ngoài kia phố xá đông vui. Trong này chỉ mình con câm lặng. Con nghĩ đến chuyến tàu sớm nhất vào ngày mai.
Và bố ơi, con chỉ xin bố một nụ cười già nua trên khuôn mặt, yên lặng khi con mở cánh cửa gỗ nhà mình, để con không phải vội vã âm thầm ra đi vào sớm hôm sau. Bởi vì lúc này đây, con hiểu vì sao mỗi người đều cần có một gia đình…