Bạn tôi gọi báo một tin sét đánh: đứa con gái của cô chửa hoang!
Cô ấy kể lại cảnh tượng kinh khủng khi đứa con gái thú nhận điều đó với hai vợ chồng cô. Họ đã trách móc, đổ lỗi cho nhau, tất cả xoay quanh nội dung “Làm sao mà chuyện đó lại có thể xảy ra?”. Tôi cảm thấy chua xót cho gia đình họ: ông bố bà mẹ nghĩ mình bị phản bội; còn đứa con gái thì cảm thấy mình bị đối xử trịch thượng. Tôi có thể làm gì để giúp họ san lấp hố ngăn cách?
Quá bức bối vì tình huống đó, tôi vội làm điều mình thường làm mỗi khi không thể suy nghĩ cho minh bạch: gọi điện cho mẹ. Bà nhắc lại lời tôi đã nghe biết bao lần trong bấy nhiêu năm qua. Lập tức, tôi viết thư cho cô bạn, chia sẻ lời khuyên của mẹ mình: Khi con cái gặp rắc rối, hãy ngậm miệng lại và dang rộng tay ra.
Tôi cũng đã ráng làm theo lời khuyên của mẹ khi mấy đứa con tôi lớn lên. Với 5 đứa con liền trong sáu năm, không phải lúc nào tôi cũng thành công. Dĩ nhiên, tôi có cái miệng to và rất ít lòng kiên nhẫn.
Tôi nhớ lại hồi Kim, đứa lớn nhất, lên bốn, cháu đã làm vỡ đèn ngủ trong phòng ngủ của mình. Một khi đã chắc cháu không bị thương gì, tôi liền mắng xơi xơi rằng cái đèn đó là đồ cổ ra sao; rằng gia đình tôi đã ba đời giữ gìn nó như thế nào, rằng đáng ra cháu phải cẩn thận hơn nữa, và làm sao lại để chuyện xảy ra đến nông nỗi này. Bất giác, tôi đọc thấy nỗi sợ hãi trên gương mặt cô bé – mắt mở lớn, môi run run, đang dợm chân chạy trốn – tôi nhớ ngay đến lời của mẹ dặn, liền ngậm miệng lại ngay và dang tay ra.
Kim liền đổ ập vào, rối rít giữa những tiếng nấc tức tưởi, “Con xin lỗi…”. Chúng tôi ngồi trên giường, ôm chặt lấy nhau hồi lâu. Tôi cảm thấy mình cần vỗ về và xoa dịu bé, không được để cho bé nghĩ – dù chỉ một phần nghìn giây – cái đèn đối với tôi lại quan trọng hơn bé.
“Mẹ cũng xin lỗi, Kim”, tôi thì thào khi bé đã bình tĩnh. “Con quan trọng hơn cây đèn nhiều. Mẹ rất vui là con không bị chảy máu”.
May sao, bé tha thứ cho tôi. Không còn vướng mắc nào sót lại trong vụ bể đèn ấy. Nhưng sau vụ việc, tôi nghiệm ra rằng: tốt nhất là nên giữ mồm giữ miệng chứ không nên bùng nổ trong cơn giận dữ, thất vọng và thiếu sáng suốt”.
Khi các con tới tuổi vị thành niên – cả năm đứa cùng lúc – chúng khiến tôi có vô số dịp được thực tập lời khuyên của mẹ: nào là cãi vã với bạn bè; nào là “mắc kẹt”; nào là không có bạn nhảy trong buổi khiêu vũ ở trường; rồi bị phạt vi phạm giao thông; lại cả trò làm thí nghiệm cho bom nổ nữa chứ! Thú thật, lời dặn dò của mẹ không phải điều xuất hiện đầu tiên tâm trí tôi khi giáo viên hay thầy hiệu trưởng gọi tới nhà. Sau khi bị giáo viên mắng vốn ở trường, đôi lúc tôi trút cơn giận ngay trong xe hơi trên đường về nhà…
Tuy nhiên, khi sực nhớ ra lời giáo huấn của mẹ, tôi liền ngưng ngay những lời châm chích, mỉa mai, những lời xin lỗi mát mả, hoặc hủy bỏ những hình phạt thiếu thực tế. Sự biến chuyển thật kỳ diệu biết bao khi bạn ôm con thật chặt, cho dù là đứa con đã lớn tồng ngồng. Khi giữ cái lưỡi mình lại, tôi cũng lắng nghe nỗi sợ hãi, giận dữ và sự ăn năn hối hận của con. Chúng không cần phải tự vệ vì tôi không mắng nhiếc chúng. Chúng thừa nhận mình sai trái và biết rằng dù gì đi nữa chúng cũng vẫn được yêu thương. Chúng tôi quan niệm “chúng ta nên làm gì bây giờ” thay vì cứ buộc tội nhau “tại ai mà nên nỗi”.
Đám con tôi giờ đã khôn lớn, đã lập gia đình riêng gần hết. Vài tháng lại có đứa về thăm tôi, thổ lộ. “Mẹ, con đã làm điều ngu ngốc…”
Sau cái ôm, chúng tôi ngồi bên bàn ăn. Tôi lắng nghe và gật đầu suốt cả tiếng đồng hồ, trong khi đứa con tuyệt vời của tôi sụt sịt, vượt qua tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khi chúng tôi đứng lên, tôi được con ôm chặt đến nghẹt thở.
“Cám ơn, mẹ. Con biết mẹ sẽ giúp con giải quyết việc này mà”.
Thật huyền diệu! Tôi đã sáng suốt biết nhường nào khi ngậm miệng lại và dang rộng tay ra.