Trong cơ thể có "dầu bôi trơn" không?
Trong nhà máy, máy móc thường phải cho dầu bôi trơn để giảm nhẹ ma sát khi vận hành. Thực ra, cơ thể người cũng là "một bộ máy lớn". Các cơ quan không ngừng vận động. Để bảo đảm cho chúng không bị mài mòn, cơ thể cũng tiết ra một số chất "bôi trơn" đặc biệt.
Trong khoang bụng có ruột già, ruột non, dạ dày, lá lách, mật, gan và tụy..., rất chật chội. Các bộ phận đó lại phải vận động thường xuyên. Ví dụ, dạ dày mỗi phút co bóp 3 lần, ruột non và ruột già uốn nhiều khúc cũng thường phải co bóp. Như vậy, trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan không tránh khỏi ma sát. Tuy nhiên, chúng không đến nỗi vì ma sát mà bị tổn thương nhờ có những chất "dầu bôi trơn" đặc biệt.
Trong khoang bụng có một lớp màng không ngừng tiết ra một chất dịch tương. Loại dịch tương này có tác dụng bôi trơn, liên tục làm trơn các cơ quan trong khoang bụng.
Ngoài các cơ quan nội tạng ra, sự vận động của khớp xương cũng không thể thiếu được "dầu bôi trơn". Khớp là bộ phận quan trọng của hệ khung xương, là chỗ kết nối các đầu xương với nhau. Có khớp thì tứ chi và thân thể chúng ta mới có thể vận động, co gập lên xuống, trái phải được. Khớp có thể chuyển động dễ dàng là nhờ xương sụn đặc biệt trơn, trên bề mặt xương sụn lại rất trơn ướt do có một lớp dịch rất mỏng. Đó chính là "dầu bôi trơn" do cơ thể tiết ra. Nó có thể đi vào bề mặt các khớp, khiến cho các khớp có ma sát rất nhỏ khi chuyển động.