Vì sao chảo không dính khi chiên rán thức ăn lại không bị dính chảo?
Nếu bạn dùng chảo bằng gang, nhôm thường để chiên, rán cá, trứng, nếu không khéo sẽ bị dính chảo. Nhưng nếu dùng chảo không dính để rán cá, trứng thì thức ăn sẽ không dính chảo. Ở đây có gì thần bí không?
Thực ra ở mặt trong của chảo không dính người ta có trải một lớp hợp chất cao phân tử. Chúng ta đều biết đại đa số hợp chất cao phân tử là những hợp chất bền, chịu được axit, chịu được kiềm, chịu được ăn mòn… Loại vật liệu trải trên chảo không dính là loại được tôn vinh là vua chất dẻo - đó là polytetrafloetylen, thường được gọi là "teflon". Polutetra floetylen là một cao phân tử không chứa hyđro.
Trong phân tử teflon chỉ có hai loại nguyên tố là cacbon và flo. Các nguyên tử cacbon và flo trong phân tử teflon liên kết với nhau rất bền chắc, nên đối với các chất bên ngoài chúng như "lì ra". Khi cho teflon vào các axit vô cơ hoặc hỗn hợp axit vô cơ đậm đặc như axit sunfuric, axit clohyđric, muối ăn, cường thuỷ (là hỗn hợp axit clohyđric và axit nitric có tính ăn mòn rất mạnh) vào dung dịch kiềm rồi đun sôi, teflon không hề biến chất. Tính chịu ăn mòn của teflon còn vượt xa vàng. Polytetrafloetylen là hợp chất hoá học có tính trơ đặc biệt, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất, khoa học kỹ thuật.
Việc dùng nó để tráng lên chảo không dính quả là "dùng dao mổ trâu để giết gà". Dùng teflon tráng lên đáy chảo khi đun với nước sôi không hề xảy ra bất kỳ tác dụng nào. Các loại dầu ăn, muối, tương, dấm cũng không xảy ra hiện tượng gì. Cho dù không cho dầu mỡ mà trực tiếp rán cá, trứng trong chảo thì cũng không xảy ra hiện tượng dính chảo một tí nào.
Chảo không dính quả là tiện lợi, thú vị. Nhưng có điều chú ý là không nên đốt nóng chảo không trên bếp lửa vì Polytetrafloetylen ở nhiệt độ trên 250°C là bắt đầu phân huỷ và để thoát ra các chất độc. Khi rửa chảo không nên chà xát bằng các đồ vật cứng vì như thế sẽ có thể gây tổn thương cho lớp teflon và gây tổn hại cho lớp chống dính. Nhiệt độ cao và vết xước đều làm giảm tính năng của lớp chống dính.