Vì sao dưới đáy biển cũng xây dựng "đài thiên văn"?

Nói chung các đài thiên văn đều đặt trên đỉnh núi để quan trắc tốt. Nhằm tránh ảnh hưởng của không khí đối với quan trắc thiên văn, các nhà khoa học đã dời đài thiên văn ra ngoài tầng khí quyển. Nhưng chắc các bạn chưa hề nghe nói dưới hầm sâu hoặc đáy biển người ta cũng xây dựng đài thiên văn?

Đài thiên văn dưới đáy biển mở ra một "cửa sổ" khác hẳn để khám phá vũ trụ. Trong vũ trụ có một hạt cơ bản đặc biệt gọi là hạt nơtrino. Các nhà khoa học từ dự đoán sự tồn tại của nó đến "bẫy" được nó, đã mất trọn 30 năm. Nơtrino là loại hạt trung tính không mang điện, khối lượng của nó còn nhỏ hơn điện tử rất nhiều, nhưng lại có sức xuyên rất lớn, nó có thể xuyên qua bất kỳ chất nào, thậm chí xuyên qua Trái Đất từ bên này sang bên kia.

Các nhà thiên văn rất quan tâm đến hạt nơtrino này, vì nó mang những thông tin từ các thiên thể trong vũ trụ đến. Nhưng chúng ta muốn nhận được nó từ trong không trung hoặc từ tầng khí quyển trên mặt đất là vô cùng khó khăn. Do đó các nhà khoa học căn cứ vào đặc điểm của hạt nơtrino, đã dời các thiết bị tìm kiếm và quan trắc xuống dưới đáy biển sâu, lợi dụng tầng nham thạch của vỏ Trái Đất hoặc nước biển để ngăn cản những hạt khác đến từ vũ trụ, từ đó mà theo dõi chặt chẽ hạt nơtrino và tìm cách "bẫy" được nó.

Hiện nay trong số các đài thiên văn trên thế giới được xây dựng dưới đất hoặc đáy biển có đài thiên văn của Cục nghiên cứu vũ trụ Đại học Tokyo Nhật Bản. Đài thiên văn của họ sâu dưới đất 1000 m; trạm khảo sát Nam Cực Amenglin Skeut Đại học Waysken Mỹ xây dựng một đài thiên văn "Amamuta" dưới tầng băng Nam Cực sâu 2.000 m; đài thiên văn dưới đáy biển Amamuta ở Hawaii.

Đài thiên văn Thermamuta ở Hawaii sâu dưới đáy biển 4.800 m. Các nhà khoa học dùng nước biển trong suốt làm thiết bị hội tụ nguồn sáng. Để tránh được sự nhiễu loạn do sóng nước và các loại cá phát sáng, các nhà khoa học đã tốn nhiều công sức để xử lý các thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiệu quả quan trắc tốt.

Bước đầu sử dụng những đài quan trắc sâu dưới đáy biển này đã thu được những hiệu quả rất đáng mừng. Các nhà khoa học cho rằng, dùng nó để quan trắc và tiếp nhận các thông tin nào đó từ các thiên thể, những đài thiên văn trên mặt đất không thể nào so sánh được. Ví dụ cùng quan trắc Mặt Trời, các đài thiên văn đáy biển sẽ quan trắc được những biến đổi chỉ phát sinh trong chốc lát ở trên Mặt Trời, đó là những kết quả mà kính viễn vọng mặt đất nào cũng không thể làm được.

Xem thêm