Vì sao không nên ở lâu trong phòng có điều hòa?
Mùa hè số bệnh nhân bị cảm, sốt, đau đầu, huyết áp cao, v.v.. thường tăng cao. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ chứng tỏ không ít bệnh nhân vì ở lâu trong phòng có điều hòa mà bị bệnh, gọi là “bệnh điều hoà”.
Ngày nay máy điều hòa được sử dụng phổ biến khiến cho con người tránh được nóng bức. Nhưng đồng thời với sự hưởng thụ mát mẻ, thì ngược lại người ta lại không biết được sự nguy hại của ô nhiễm không khí trong phòng, vì điều hòa không khí chỉ có thể điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm trong phòng chứ không thể khiến cho không khí trong phòng và bên ngoài lưu thông. Sau khi mở điều hòa tất nhiên phải đóng cửa, những chất ô nhiễm trong phòng như khí CO, các hợp chất oxit nitơ, các hạt huyền phù đều tích lại, gây nguy hại cho sức khỏe. Đồng thời người ta còn đo được không khí trong phòng có điều hòa có chứa chất phóng xạ rađon. Nếu hít phải chất rađon sẽ khiến cho phổi nhiễm phóng xạ, tăng thêm khả năng bệnh ung thư phổi.
Ngoài ra, bản thân cơ thể con người cũng là một nguồn chủ yếu gây ô nhiễm không khí. Người ở lâu trong phòng, khi nói chuyện, ho, hắt hơi có thể thải ra các vi khuẩn từ đường hô hấp. Một người bị cảm khi hắt hơi có thể !bắn ra từ 15–18 nghìn hạt nước bọt gây truyền nhiễm. Vi khuẩn trên da và quần áo cũng khuếch tán vào không khí trong phòng. Người ta đã đo được một người hoạt động ở mức trung bình mỗi phút thải vào không khí 1 vạn vi sinh vật, trong đó phần lớn là những hạt mang vi khuẩn, chúng có thể trôi nổi trong một thời gian dài ở trong phòng, nhất là ở những chỗ yên tĩnh hoặc không thông gió như phòng có điều hòa.
Ô nhiễm không khí trong phòng có điều hòa còn khiến cho số ion trong phòng giảm thấp. Ion âm giảm thấp nhanh hơn so với ion dương, mà ion âm lại rất có lợi đối với cơ thể.
Để cải thiện chất lượng không khí trong phòng, người ta đã đặt thiết bị để tăng thêm ion âm. Bên cạnh máy điều hòa lắp thêm máy sản xuất ion âm. Nhưng máy sản xuất ion âm chỉ có thể làm tăng thêm nồng độ ion âm, còn đối với ô nhiễm không khí thì không có tác dụng gì. Tốt nhất là đồng thời sử dụng cả máy làm sạch không khí, để cho không khí được lọc, lắng đọng lại và cực hóa điện trường cao áp để khử bụi, lợi dụng phát sinh thêm khí ôzôn hoặc tia tử ngoại để diệt vi khuẩn. Trên đây chỉ là một số phương pháp để cải thiện chất lượng không khí trong phòng. Muốn phòng được “bệnh điều hòa”, nên luôn mở cửa để cho không khí bên trong và bên ngoài phòng lưu thông hoặc không nên ngồi lâu trong phòng điều hoà.
Từ khoá: Bệnh điều hòa không khí; Ion âm.