Vì sao nhiệt độ trong thành phố cao hơn ngoại ô?
Mùa hè trong thành phố khí hậu nóng bức, nhưng ra ngoại ô người ta cảm thấy mát mẻ dễ chịu hơn nhiều. Các số liệu thống kê khí tượng chứng tỏ: khí hậu thành phố mùa hè cao hơn ở ngoại ô. Ví dụ ở Thượng Hải, từ 1961-1990, vùng Long Hoa trong thành phố bình quân mỗi năm có 7,1 ngày khí hậu vượt quá 35oC, còn ở huyện Nam Hội ngoại ô bình quân mỗi năm chỉ có 1,9 ngày nhiệt độ cao hơn 35oC.
Thực tế thì khí hậu thành phố trong cả bốn mùa đều cao hơn ở ngoại ô. Đó là vì sao?
Trong thành phố người ta đốt rất nhiều than đá, dầu mỏ, khí than. Năng lượng hóa học của những loại nhiên liệu này đa số chuyển hóa thành cơ năng, điện năng, một phần còn lại chuyển hóa thành nhiệt trực tiếp thải vào không khí. Trong thành phố có cả trăm nghìn chiếc ô tô, mỗi ngày thải một lượng lớn khí thải. Nhiệt độ của loại khí này thường 100 oC trở lên, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nhiệt độ của thành phố.
Những công trình kiến trúc lớn trong thành phố bằng bê tông, cộng với mặt đường nhựa ngang dọc chi chít, do đó tạo ra bề mặt thành phố có tính chất khác hẳn với ngoại ô. Những công trình kiến trúc và mặt đường màu đen ban ngày hấp thụ một lượng lớn bức xạ nhiệt của ánh nắng Mặt Trời, nên nhiệt độ nâng cao rất nhanh. Đêm xuống, các công trình kiến trúc và mặt đường này dần dần toả nhiệt, khiến cho nhiệt độ thành phố giảm không đáng kể. Do đó thành phố trở thành “đảo nhiệt to lớn”. Ngoài ra vì trong không khí tồn tại nhiều bụi và các chất khí ô nhiễm, do đó bầu không khí trên không của thành phố hình thành đám mây mù. Mây mù này ban đêm làm giảm thấp hiệu suất bức xạ của mặt đất, khiến cho mặt đất giảm ít nhiệt độ. Những điều kiện đặc thù này khiến cho thành phố biến thành “hiệu ứng đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ thành phố cao hơn nhiệt độ ngoại ô.
Trong thành phố có rất nhiều nhà cao tầng, chúng làm thành những màn chắn, khiến cho không khí tươi mát từ ngoại ô khó thổi vào, làm cho không khí khó lưu động. Như vậy luồng không khí mát ở ngoại ô thổi vào bị chặn lại. Điều đó cũng gây nên nguyên nhân khí hậu của thành phố nóng hơn ngoại ô. Cường độ “đảo nhiệt” thông thường có liên quan với thành phố lớn hay nhỏ. Thành phố có mấy vạn dân đến mấy chục vạn dân thường nhiệt độ chênh lệch với ngoại ô từ 2 – 3 oC; thành phố có dân số trung bình, nhiệt độ chênh với ngoại ô 3 – 5 oC. Thành phố có hàng triệu dân trở lên nhiệt độ thường chênh lệch 5 oC trở lên.
Từ khoá: Nhiệt độ; Hiệu ứng đảo nhiệt.