Vì sao nói Mặt Trời là hằng tinh phổ thông?
Mặt Trời là thiên thể mà ta quen thuộc nhất. Nó là thiên thể trung tâm của hệ Mặt Trời, khối lượng đạt 2 tỉ tỉ tỉ tấn, nhiều hơn 33 vạn lần khối lượng của Trái Đất chúng ta, nó là một khối lượng độc nhất chiếm khoảng 99% tổng số khối lượng của hàng vạn các thiên thể to nhỏ trong toàn hệ Mặt Trời cộng lại.
Đường kính của Mặt Trời khoảng 1,392 triệu km, gấp 109 lần đường kính Trái Đất. Độ sáng của nó càng không có thiên thể nào so sánh được. Cấp sao của nó là cấp - 26,7, so với những sao tối nhất mà mắt thường có thể nhìn thấy được sáng hơn một vạn tỉ lần.
Với con người sống trên Trái Đất thì Mặt Trời khác hẳn với các thiên thể khác. Nguyên nhân chủ yếu là vì nó cách chúng ta rất gần, là một trong những hằng tinh gần ta nhất. Khoảng cách giữa Mặt Trời với Trái Đất khoảng 150 triệu km, ánh sáng đi từ Mặt Trời đến Trái Đất chỉ mất 8,3 phút. So với những thiên thể cách chúng ta rất xa, cự ly phải dùng đến đơn vị năm ánh sáng để tính thì quả thực là khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất không đáng kể gì.
Ta có thể so sánh Mặt Trời với các hằng tinh khác để nhận thức được trong vũ trụ hàng nghìn tỉ hằng tinh, Mặt Trời là một thiên thể như thế nào.
Về mặt khối lượng mà nói, khối lượng của các hằng tinh cơ bản nằm trong khoảng mấy phần trăm đến gấp 120 lần khối lượng của Mặt Trời, trong đó số lượng hằng tinh bằng 0,1 đến 10 lần Mặt Trời là nhiều nhất. Có thể thấy Mặt Trời chỉ là một hằng tinh phổ thông có khối lượng ở mức trung bình.
Về đường kính mà nói, nói chung người ta cho rằng: ngôi sao đồng hành trong số các ngôi sao không thấy được của hệ thống Thực song tinh trong "chòm sao Ngự phu ε" là hằng tinh lớn nhất đã biết được cho đến nay, đường kính khoảng 5,7 tỉ km, lớn hơn 4 nghìn lần đường kính của Mặt Trời. Sao nơtron là ngôi sao nhỏ nhất cho đến nay phát hiện được, đường kính của nó chỉ khoảng 10 km, chỉ bằng 1/14 vạn của đường kính Mặt Trời.
Nói về độ sáng, tức là năng lực phát sáng thực của các hằng tinh, phạm vi biến đổi rất lớn, đại thể trong khoảng 1/50 vạn đến trên 1/50 vạn của độ sáng Mặt Trời.
Nhiệt độ bề mặt của các hằng tinh cơ bản nằm trong khoảng 2000°C - 80000°C, Mặt Trời nằm ở giữa, nhiệt độ bề mặt của nó khoảng 6000 °C.
Sau khi so sánh ta thấy rõ: Mặt Trời sở dĩ khác với các hằng tinh khác là vì nó rất gần ta. Từ hàng tỉ hằng tinh trong vũ trụ mà xét thì Mặt Trời chỉ là một hằng tinh bình thường, không có gì đặc biệt. Không những thế, nó cũng giống như các hằng tinh khác, chỉ là một thành viên trong hệ Ngân hà mà thôi.