Vì sao phải khống chế "ô nhiễm màu trắng"?
Nhựa là loại nguyên liệu mới, chúng có nhiều ưu điểm như: nhẹ, không thấm nước, bền và giá rẻ. Từ ngày đồ nhựa ra đời đến nay chúng được dùng rộng rãi trong công nghiệp, nông nghiệp, đời sống và được mọi người ưa thích.
Năm 1952, ở Mỹ lần đầu tiên người ta dùng túi nilon để làm túi đựng các mầm ươm dùng trong nông nghiệp, đạt được hiệu quả rất rõ rệt là quả cây chín sớm và sản lượng cao. Do đó túi nilon đã trở thành một phát minh khoa học kĩ thuật trong việc ứng dụng để làm túi ươm cây và được nhiều nơi trên thế giới ứng dụng rộng rãi, được xem là một cuộc “cách mạng màu trắng” vĩ đại trong lĩnh vực kĩ thuật nông nghiệp. Túi nhựa nhờ đặc điểm ưu việt của mình mà nổi tiếng trên thế giới, lượng dùng mỗi năm càng tăng. Từ năm 1990 – 1995, bình quân tỉ lệ tăng hàng năm là 8,9%. Nhưng dùng xong, việc xử lí đồ nhựa cũ hỏng và túi nilon phế thải rất khó khăn. Đồ nhựa và túi nilon là sản phẩm hóa học của dầu mỏ, nó khó bị vi sinh vật phân giải. Do đó nếu xử lí không thích hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường. Túi nilon phần nhiều màu trắng, cho nên người ta gọi sự ô nhiễm do chúng gây ra là “ô nhiễm màu trắng”.
Ô nhiễm màu trắng chủ yếu có những tác hại sau: túi nilon cũ, hoặc các hộp cơm bằng nhựa khi lẫn với đất sẽ gây khó khăn cho việc canh tác đồng thời ảnh hưởng đến cây cối hấp thu các chất dinh dưỡng và nước, gây nên sản lượng giảm thấp. Khi túi nilon bị vứt bừa bãi, động vật dễ ăn phải khiến cho chúng mắc bệnh và chết. Những túi nilon vứt xuống nước một khi bị chim hoặc cá ăn nhầm thì những động vật này sẽ ngộ độc. Ngoài ra, nếu trong nước có nhiều túi nilon chúng có thể bị cuốn vào cánh chân vịt làm cho xuồng máy rung lên, gây khó khăn cho giao thông đường thủy.
Ô nhiễm màu trắng đã gây sự quan tâm rộng rãi đối với các nước trên thế giới. Người ta luôn tìm cách để xử lí chúng. Ban đầu phương pháp xử lí đồ nhựa và túi nilon là đốt cháy, nhưng như vậy sẽ sản sinh ra các chất khí có hại, gây ô nhiễm môi trường. Về sau người ta dùng phương pháp chôn sâu, nhưng đồ nhựa và túi nilon chôn xuống lâu ngày không thể tự phân hủy. Ngày nay người ta chủ yếu dùng các phương pháp sau để khống chế và xử lí ô nhiễm màu trắng: một là thu hồi để tận dụng; hai là giảm ít hoặc cấm sử dụng những loại nilon khó phân hủy; ba là khai thác và mở rộng sử dụng túi làm bằng giấy hoặc là chế phẩm nhựa có thể tự phân hủy v.v.. để thay thế những túi nhựa không dễ bị phân hủy.
Từ khoá: Ô nhiễm màu trắng. Chế phẩm nhựa; Nhựa tự phân hủy.