Vì sao thép không gỉ lại bị gỉ?
Ngày nay các vật dụng chế bằng thép không gỉ ngày càng được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày. Các đồ dùng bằng thép không gỉ như cốc, liễn đựng cơm, các dụng cụ nhà bếp… rất bóng, dễ rửa, không bị gỉ, không chỉ đẹp mà còn bền.
Như tên gọi của nó, thép không gỉ không bị gỉ. Tính không gỉ có liên quan chặt chẽ với thành phần của thép. Trong thành phần của thép không gỉ, ngoài sắt còn có crom, niken, nhôm.
Trong thép không gỉ, hàm lượng crom không ít hơn 12%, cao nhất có thể đến 18%. Khi đưa nguyên tố crom vào thép sẽ làm kết cấu của thép đồng đều hơn, nhờ cải thiện được tính năng của thép. Trên bề mặt của thép hình thành một lớp màng oxit bảo vệ bề mặt của thép, nhờ đó tăng cường tính chịu ăn mòn của thép lên nhiều lần. Nhờ vậy thép không gỉ có khả năng chống ăn mòn của không khí, nước, axit, kiềm và khi thép không gỉ tiếp xúc với các loại axit, kiềm sẽ không bị ăn mòn. Các nhà khoa học tìm thấy nếu cấu trúc nội bộ của thép càng đồng đều thì các liên hệ giữa các thành phần của thép càng chặt chẽ và càng khó bị ăn mòn, trên bề mặt của thép lớp màng bảo vệ càng bền như một tấm giáp bảo vệ nên thép không bị gỉ.
Tuy nhiên nói bị gỉ hay không bị gỉ chỉ là tương đối. Không có kim loại tuyệt đối không bị gỉ. Ngay cả các kim loại rất khó bị gỉ như vàng hoặc bạch kim thì với các dung dịch các chất có khả năng hoà tan kim loại rất mạnh như cường thuỷ (3 phần axit clohyđric và 1 phần axit nitric) có bị hoà tan không? Thép không gỉ chỉ bền vững trong điều kiện oxy hoá, còn trong điều kiện không oxy hoá sẽ trở nên không bền.
Thép không gỉ bền với axit sunfuric đặc, nhưng không bền với axit clohyđric là môi trường không oxy hoá. Ngoài ra hàm lượng crom và các nguyên tố khác trong thép khi gia công, xử lý nhiệt không thích hợp cũng trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng chịu ăn mòn của thép không gỉ. Từ đó có thể nói thép không gỉ không bị gỉ chỉ là tương đối, trong các điều kiện đặc biệt, thép không gỉ có thể bị gỉ.