Vì sao trong vũ trụ lại có hiện tượng mất trọng lượng?
Mọi vật trên Trái Đất đều chịu sức hút của Trái Đất. Đó gọi là trọng lực. Độ lớn của trọng lực giảm đi rất nhanh khi độ cao tăng lên. Khi con tàu vũ trụ bay quanh Trái Đất hoặc bay trên quỹ đạo giữa các hành tinh, vì chúng xa Trái Đất và các tinh cầu khác cho nên nó rơi vào trạng thái mất trọng lực. Đương nhiên mất trọng lực không có nghĩa là tuyệt đối không còn trọng lực, mà là trọng lực rất nhỏ, cho nên mất trọng lực cũng còn gọi là trọng lực yếu.
Mất trọng lực là một đặc tính vô cùng quan trọng của môi trường vũ trụ.
Trong trạng thái mất trọng lực cơ thể con người cũng như các vật khác chỉ cần chịu một lực rất nhỏ tác dụng đã có thể bay lên bồng bềnh.
Lợi dụng hiện tượng mất trọng lực, người ta có thể tiến hành những thí nghiệm khoa học hoặc gia công các vật liệu trong vũ trụ mà những thí nghiệm đó ở trên mặt đất rất khó hoặc không thể thực hiện được. Ví dụ có thể nuôi một đơn tinh thể silic lớn và có độ thuần khiết cao, chế tạo kim loại hoặc các hợp kim siêu dẫn siêu thuần khiết, cũng như chế tạo những loại dược phẩm đặc biệt, v.v.
Mất trọng lượng cũng tạo điều kiện tốt để lắp ráp những con tàu có kết cấu cồng kềnh trong vũ trụ (như trạm không gian, trạm pin năng lượng Mặt Trời, v.v.
Nhưng mất trọng lượng cũng gây tổn hại cho cơ thể con người. Điều đó chủ yếu thể hiện thành bệnh vũ trụ. Triệu chứng điển hình của loại bệnh này là mặt xanh xám, ra mồ hôi lạnh, buồn nôn, có lúc còn sùi bọt mép, bụng trên khó chịu, buồn ngủ, đau đầu, không muốn ăn và có cảm giác bồng bềnh. Mất trọng lượng kéo dài còn dẫn đến chứng rỗng xương, cơ bắp bị teo. Để ngăn ngừa hoặc giảm thấp bệnh vũ trụ trước hết các nhà du hành phải tăng cường luyện tập trên mặt đất để nâng cao thể chất; ngoài ra trong vũ trụ cũng phải coi trọng luyện tập thể dục. Khi xem vô tuyến truyền hình ta thấy các nhà du hành vũ trụ thường tập luyện trên các máy vận động.