Bốn câu nói bí hiểm

Bốn câu nói bí hiểm

Có một vị vua trẻ đẹp, nhưng phải tội say mê phụ nữ quá độ, đã tiêu phí hầu hết cả thời gian để đi lại với phụ nữ trong cung đình.

Một hôm, nhà vua cưỡi ngựa dạo chơi trong một cánh rừng cách kinh thành không xa lắm, có cả một đoàn phụ nữ đẹp đi theo. Trên đường đi, ông tình cờ trông thấy một người đàn ông đang đốn củi với người vợ xinh xắn của anh ta. Nhà vua tự nhiên nảy ra ý nghĩ muốn hỏi về những điều vui buồn trong cuộc sống của họ. Ông dừng lại dưới một cây có bóng mát, ra lệnh cho cặp vợ chồng nọ đến gặp.

Hai vợ chồng người đốn củi đến, nhà vua hỏi họ sinh sống bằng cách gì. Người chồng đáp là nhà vua vừa trông thấy, hai vợ chồng sống bằng nghề đốn củi. Nhà vua hỏi như thế có đủ sống không. Người đốn củi thưa là tạm đủ. Nhà vua hỏi thêm có dành dụm được chút ít tiền nong gì không, người đốn củi thưa có. Nhà vua lại hỏi anh ta dùng tiền để dành vào những việc gì. Lúc này người đàn ông suy nghĩ một lát, rồi trả lời như sau:

- Tâu bệ hạ, sau khi chi dùng một cách dè sẻn mọi việc ăn tiêu trong nhà, số tiền còn dành dụm được, thần chia làm bốn phần: Phần thứ nhất tôi chôn dưới đất, Phần thứ hai tôi trả cho các chủ nợ, Phần thứ ba tôi ném xuống sông, Phần thứ tư tôi đưa cho kẻ thù.

Nghe những lời đáp bất ngờ như vậy, nhà vua kinh ngạc nhìn anh ta. Đoán biết đây là những câu nói bí ẩn, vua cảm thấy lí thú. Vua ra lệnh anh ta phải nói rõ lời giải của các câu trên đúng như anh ta nghĩ. Người đốn củi chịu làm theo lệnh vua, chỉ yêu cầu một điều là tất cả những người đi theo vua phải lánh đi nơi khác. Khi chỉ còn lại một mình nhà vua, anh ta giải thích:

- Tiền tôi chôn dưới đất là tiền dùng để bố thí và làm những điều phúc đức. Tiền tôi trả cho chủ nợ là tiền tôi chi dùng để nuôi bố mẹ, người tôi đã chịu ơn sinh thành và nuôi dưỡng. Tiền tôi ném xuống sông là tiền tôi dùng để uống rượu, hút thuốc và đánh bạc. Còn tiền tôi đưa cho kẻ thù là tiền tôi đưa cho vợ tôi.

Nhà vua ghi các lời giải xong, đọc lại cẩn thận một lần, rồi nói: - Ba câu giải đầu ta thích đấy và ta cũng đồng ý như vậy, nhưng câu thứ tư thì ta phản đối, vì ta không muốn nghe một lời nói xấu phụ nữ. Anh đã nghĩ sai và nói sai.

Rồi ông cho gọi người vợ đến. Trước mặt hai vợ chồng, ông bảo:

- Phải giữ gìn bốn câu nói bí ẩn đó, không được nói cho ai biết lời giải của anh. Neu anh để lộ cho một người nào khác biết, ta sẽ bắt anh cho ngồi tù suốt đời.

Dặn xong, nhà vua lên ngựa ra về, cùng với đoàn tùy tùng trở lại kinh thành, đầu óc cứ nghĩ ngợi vẩn vơ về những câu nói bí ẩn kì lạ của anh chàng đốn củi. Ông ra lệnh chép bốn câu nói đó lại, truyền cho mọi người biết và tuyên bố nếu ai giải được cả bốn câu nói bí ẩn đó sẽ được thưởng một nén vàng.

Tháng này sang tháng khác, vẫn chẳng có ai đoán ra được lời giải đáp của bốn câu nói bí ẩn đó. Cho đến một hôm, sứ giả nhà vua tình cờ đi qua trước nhà vợ chồng người đốn củi, và loan báo lời tuyên bố của nhà vua. Vừa nghe lời truyền, người vợ liền nhận ra ngay những câu nói bí ẩn là của chồng mình. Cô ta cũng biết chồng mình đã nói các lời giải cho nhà vua nghe, nên nghĩ bụng: “Tối nay ta sẽ hỏi chồng những lời giải này, và ngày mai sẽ lên gặp nhà vua để nói, thì nén vàng thưởng cầm chắc trong tay rồi. Nếu có được một nén vàng thì ta không còn phải sống trong cảnh nghèo khổ với ông chồng đốn củi này nữa. Ừ, ta sẽ giấu vàng dưới đất và không nói cho anh ta biết gì cả. Và nếu nhà vua hỏi vì sao ta biết được các lời giải đó thì ta sẽ khai thật là do chồng bảo. Thế là anh ta sẽ bị bắt vào ngồi tù đến hết đời. Còn ta sẽ trở lên giàu có, rồi ta lại kiếm lấy một người chồng khá hơn cái anh chàng khốn khổ này”.

Chờ chồng đi làm về, người vợ năn nỉ chồng cho biết lời giải những câu nói bí ẩn để đi nhận vàng thưởng. Nhưng người chồng từ chối vì sợ lời đe dọa của nhà vua. Người vợ đành im lặng, nhưng tối đến lại làm mình làm mẩy với chồng, trách móc anh ta không hiểu lòng mình, không tin mình. Thấy vợ giận dỗi, người chồng mềm lòng, cuối cùng đã nói ra các lời giải.

Sáng hôm sau, khi người chồng đã đi làm, người vợ ba chân bốn cẳng đi ngay lên kinh thành đến cung vua, xin gặp để nói những lời giải của bốn câu nói bí ẩn. Vua cho gọi vào, và mỗi câu nói bí hiểm đưa ra cô ta đều giải đúng như lời chồng đã nói. Vua tuyên bố cô là người đã giải được các câu nói bí hiểm và trao phần thưởng đã hứa cho cô. Nhưng khi cô ta vừa ra khỏi cung điện, nhà vua bỗng cảm thấy nghi ngại, liền ra lệnh gọi cô ta trở lại. Nhà vua hỏi.

- Nhà ngươi là ai? Hình như ta đã trông thấy ở đâu rồi thì phải.

Người đàn bà đáp: - Vâng, kính tâu bệ hạ, tôi là vợ người đốn củi, bệ hạ đã gặp trong rừng.

 - Vậy nhà ngươi đã tìm ra những lời giải đó như thế nào?

- Chồng tôi nói cho tôi biết.

Nghe thấy thế, nhà vua cau mày nổi giận, nhưng đã lỡ tuyên bố rồi, ông đành cho người đàn bà ra về với phần thưởng đã nhận và ra lệnh cho bắt giải người chồng đến. Anh chàng đốn củi bị bắt dẫn đến quỳ trước mặt vua. Nhà vua hỏi:

- Ta đã bảo trước cho biết hình phạt nặng nề nếu nhà ngươi bảo cho ai biết lời giải của câu nói bí hiểm, vậy vì sao nhà ngươi dám bảo cho vợ mình biết, dám trái lệnh của ta?

- Anh đốn củi kể lại đầu đuôi sự việc, cố thanh minh, nhưng nhà vua vẫn giận dữ, không chịu nghe, liền ra lệnh tống giam. Trong khi đợi quân lính đến để đưa anh ta đi, anh nói lại với vua.

- Tâu bệ hạ, sở dĩ tôi nói lời giải với vợ là vì tôi yêu và tin cô ta. Tôi tin cô ta sẽ giữ bí mật, nhưng rồi cô ta không làm đúng như vậy. Cô ta đã phản bội tôi, mang các lời giải đến để nhận giải thưởng mặc dầu biết làm như vậy tôi sẽ bị bắt giam suốt đời. Chắc bệ hạ còn nhớ, câu thứ tư tôi nói tiền đưa cho kẻ thù chính là tiền tôi đưa cho vợ. Trước kia bệ hạ không đồng ý, vậy bây giờ bệ hạ nghĩ thế nào về điều đó.

Nhà vua nghe, nhớ lại ý kiến của mình trước đây, nay thấy những lời giải của anh chàng đốn củi hóa ra đều đúng cả. Nhà vua bèn tha cho anh, thưởng anh nhiều tiền của.

Nợ như chúa chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được...

Cái cân thuỷ ngân

Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả...

Phạm Viên thành tiên

Ngày xưa, vào đời nhà Lê, ở huyện Đông Thành, có nhà họ Phạm sinh được hai con trai là Phạm Chất và Phạm Viên.

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Cường Bạo đại vương

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát...

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...

Truyện cổ tích quả bầu tiên

Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé....