Cái cây có cánh buồm đỏ

Trên một gò đất, sau mấy ngôi nhà tầng, có một cái cây to, lá xanh, tán xoè rộng. Bọn trẻ chúng tôi thường leo lên cái cây này. Từ trên cây nhìn xuống, chúng tôi thấy đồng cỏ xanh rờn, gió thổi làm ngàn vạn ngọn cỏ đung đưa, tạo nên những làn sóng nhỏ. Ngước nhìn lên cao, có thể thấy mây trôi, cái cây như bơi trong biển mây. Chúng tôi gọi cái cây là con tàu và phân công nhau giữ các chức vụ: thuyền trưởng, sĩ quan 1, sĩ quan 2, nhân viên điện đài, đầu bếp,… Rồi kiếm một miếng vải đỏ thật to, chúng tôi căng lên làm cánh buồm. Từ đó, hằng ngày đoàn thuỷ thủ ra khơi. Mỗi chuyến đi đều bắt đầu bằng bài hát:

Tàu ta giương cánh buồm hồng

Cánh buồm mặn muối, mênh mông sóng trào

Bao vùng đất mới xôn xao

Chân trời dang cánh tay chào đón ta…

Hôm trước, có thêm một cậu bé đang học lớp 1 gia nhập đoàn thuỷ thủ. Cậu mang đến cho con tàu một cái chuông. Tôi vỗ vai cậu:

– Em khá lắm!

Vừa lúc đó, toàn đội ào ra. Thuyền trưởng bắt đầu ra lệnh. Chuông trên tàu kêu leng keng và cánh buồm đỏ rực từ từ được kéo lên ngọn cột.

– Báo cáo thuyền trưởng, hiện đang có gió cấp 10. – Sĩ quan 1 vừa nói vừa giậm gót giày.

– Bão biển rồi! Bão biển rồi! – Toàn đội sung sướng reo to.

Chúng tôi lấy lại tư thế đứng cho vững. Gót chân giậm thình thình. Rồi tất cả dồn thành một đám, đứa nọ ngả vào đứa kia.

– Các anh rung cây mạnh quá, em rơi xuống biển mất. – Cậu bé sợ hãi.

– Cẩn thận ! Rơi xuống biển là cá mập xông tới chén ngay đấy!

– Toàn đội lên boong ! Thay buồm ! Chú ý điều khiển bánh lái! – Mệnh lệnh của thuyền trưởng liên tục vang lên.

– Mặc cho bão nổi điên cuồng. Chúng tôi chẳng chịu hạ buồm xuống đâu. Gió cứ gào thét trên đầu. Ngược chiều, mặc, hỡi con tàu tiến lên !- Sĩ quan 1 hát rất to.

– Toàn đội hát theo ! – Thuyền trưởng ra lệnh.

– Anh thuỷ thủ ơi! Chúng mình có bị chết đuối không anh ? – Cậu bé rên rỉ.

– Phải cố để nước không cuốn được em ra khỏi boong ! – Tôi hét to và lấy dây quấn cậu bé vào cột buồm.

Cả bọn bơi mãi cho đến khi những ngọn đèn biển bật sáng mới cho tàu dừng lại.

Vào năm học, những chuyến đi của con tàu thường diễn ra vào buổi chiều. Cậu bé lớp 1 học từ mười hai giờ trưa nên buổi sáng trên tàu chỉ có mình cậu. Cậu dậy sớm, đuổi bò ra đồng gặm cỏ, rồi ngồi cạnh con tàu và suy nghĩ xem hôm đó nên bơi đi đâu. Cậu mơ ước đưa tàu đi châu Phi để tìm ông nội đã tham gia chiến đấu và mất tích ở đó.

Một hôm, có mấy người cầm sổ sách cứ đi đi lại lại quanh con tàu. Họ bảo ở đây sẽ xây dựng rạp chiếu phim. “Thế thì không còn con tàu nữa sao ?” – Cậu bé lo lắng.

Thế rồi người ta mang theo rìu và cưa máy đến. Chẳng ai trong chúng tôi có mặt cạnh gốc cây lúc đó, ngoài chàng thuỷ thủ tí hon. Cậu bé trèo lên cây, vừa rung chuông vừa gào to :

– Không được chặt cây! Đây là con tàu của chúng cháu !

Hai người thợ tiến lại gần gốc cây, đặt cưa và rìu xuống.

– Xuống ngay! – Họ quát.

– Không ! Không ai được động vào cây !

– Cái cây này đẹp đấy nhỉ. – Một người thợ có vẻ nghĩ ngợi.

Sau đó, nguời thứ ba mặc áo khoác da, tay cầm cặp xuất hiện.

– Thưa kĩ sư, có một thằng nhỏ leo lên cây, kêu toáng lên là không được chặt cây của nó.

– Cái cây đẹp quá ! Kể cũng phí. – Người công nhân kia nói. – Có thể đánh đi trồng chỗ khác. Bọn trẻ vẫn còn chỗ để chơi.

Anh kĩ sư nói:

– Thôi đi! Các cậu đã thống nhất rồi mà.

Nghe thấy thế, cậu bé rung chuông mạnh hơn. Tiếng chuông nghe tuyệt vọng.

Anh kĩ sư ngẩng lên:

– Này chú nhóc ! Điếc tai lắm ! Xuống ngay!

– Cháu không xuống đâu ! – Cậu bé gào lên.

Anh kĩ sư tức giận lao đến bên gốc cây. Anh ta bẻ một cành cây, quất vun vút vào không khí, làm cho những chiếc lá bay lả tả. Đúng lúc ấy cậu bé cất tiếng hát: Mặc cho bão nổi điên cuồng. Chúng tôi chẳng chịu hạ buồm xuống đâu. Gió cứ gào thét trên đầu. Ngược chiều, mặc, hỡi con tàu, tiến lên!…

– Cậu nhóc không chịu xuống đâu. – Hai anh công nhân cười to.

– Vậy mang cái thang ra đây! – Anh kĩ sư bực mình.

– Thang để trong kho ở mãi bên kia sông. Mà trời lại sắp mưa.

Sau đó, một anh khệ nệ vác chiếc máy cưa lên vai, anh kia cầm rìu. Cả hai bỏ đi.

Trời tối dần. Mây đen tiếp tục kéo đến. Rồi mưa như trút nước. Anh kĩ sư lấy cặp che đầu, đứng chết gí dưới gốc cây. Còn cậu bé thì ôm chặt cột buồm, dưới bầu trời đen kịt, quần áo ướt sũng, hai mắt đầm đìa nước mưa và nước mắt. Thế nhưng cậu vẫn hát.

Đúng lúc ấy, cả tốp thuỷ thủ từ trường về. Cậu bé mếu máo :

– Các anh thuỷ thủ ơi! Ông này ra lệnh chặt cây.

– Người ta xây dựng rạp chiếu phim là xây cho các cậu, thế mà chú nhóc kia lại khư khư giữ cái cây này. – Anh kĩ sư nói.

Sau lần dầm mưa ấy, cậu thuỷ thủ lớp 1 bị viêm phổi, phải vào bệnh viện. Nhưng nhờ cậu mà cái cây không bị chặt. Nó được đánh đi trồng vào chỗ khác. Cậu bé đã cứu được cái cây. Biết đâu ở nơi đó sẽ có bọn trẻ khác gọi cái cây là con tàu rồi căng buồm lên thân nó, cho nó ra khơi.

Bây giờ thì ở chỗ chúng tôi đã có rạp chiếu phim. Mọi người đều vui. Tôi cũng thế. Chỉ khác là tôi luôn nhìn thấy ở đấy một con tàu với cánh buồm đỏ, có cậu bé đứng dưới cột buồm và cất cao tiếng hát.

Cuộc chạy đua trong rừng

Ngày mai, muông thú trong rừng mở cuộc thi chạy để chọn con vật chạy nhanh nhất. Ngựa Con thích lắm. Chú tin chắc sẽ giành được vòng nguyệt quế.

Ba chú heo con

Ngày xưa có một bà mẹ heo sinh được ba chú heo con. Ba chú heo hay ăn nên lớn rất nhanh, khi thấy những đứa con của mình cũng đã lớn...

Vua Lê Đại Hành giữ nước

Tháng 7 năm Canh Thìn (980), đại quân Tống xâm lược Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) đã chỉ huy ba quân đánh giặc, đại thắng trên cả hai mặt trận thuỷ bộ, mở ra kỉ nguyên Đại Việt bách thắng.

Ăn "mầm đá"

Tương truyền vào thời vua Lê - chúa Trịnh có ông Trạng Quỳnh là người rất thông minh. Trạng thường dùng lối nói hài hước hoặc những cách độc đáo để châm biếm thói xấu của vua chúa, quan lại và bênh vực dân lành.

Chú Đỗ con

Một chú Đỗ con ngủ khì trong cái chum khô ráo và tối om suốt một năm. Một hôm tỉnh dậy chú thấy mình nằm giữa những hạt đất li ti xôm xốp. Chợt có tiếng lộp độp bên ngoài.

Chiếc xe đẩy của Chuột Đồng

Mùa thu đã tới, lúa mạch đã thơm, lúa mì đã vàng, củ cải đã đỏ. Chuột đồng đẩy chiếc xe cút kít mà bố vừa mới làm cho nó đến ruộng. “Hò dô ta, hò dô ta!” một đàn Kiến nhỏ đang khiêng một bông lúa mạch bước đi lặc lè trên ruộng...

Đàn kiến con ngoan quá

Bà kiến đã già, một mình ở trong cái tổ nhỏ dưới mô đất, vừa chật hẹp, vừa ẩm ướt. Mấy hôm nay, bà đau ốm cứ rên hừ hừ...

Củ cải trắng

Mùa đông đã đến rồi, trời lạnh buốt. Thỏ con không còn gì để ăn nữa, nó đành mặc áo ấm và đi ra khỏi nhà để tìm cái ăn.

Ông chủ cửa hàng bánh kẹo

Tại vùng Tơ-lan-păng có một cửa hàng bánh kẹo nổi tiếng của bác Phơ-lip. Không ai biết cửa hàng này có từ bao giờ, chỉ biết bác Phơ-lip đã nối tiếp nghề nghiệp của cha ông từ ba đời nay, và được nhân dân trong vùng quý mến.