Cuộc phiêu lưu của viên kim cương

Một lần, bác sĩ Oát-xơn đến nhà Sơ-lốc Hôm. Vị thám tử lừng danh đang ngồi đăm chiêu bên một cái mũ sờn cũ và một chiếc kính lúp. Thấy Oát-xơn ngạc nhiên, Hôm giải thích:

– Cái mũ này là do ông Pê-tơ, người gác cửa rạp hát, nhặt được. Sáng sớm ngày lễ Giáng sinh, trên đường về nhà, Pê-tơ tình cờ chứng kiến vụ xô xát giữa một người đàn ông với một bọn du đãng. Người đàn ông mang lủng lẳng trên vai một con ngỗng trắng. Khi một tên du đãng đánh bay cái mũ của người đàn ông xuống đất, ông ta vung gậy lên tự vệ nhưng vô tình phang vỡ tan cửa kính bày hàng phía sau. Thấy một người từ trong cửa hàng hầm hầm chạy ra, người đàn ông vội thả con ngỗng xuống đất và biến mất giữa đường phố đông người. Mấy tên du đãng cũng tẩu thoát. Vì vậy Pê-tơ làm chủ chiến trường, làm chủ luôn chiếc mũ và con ngỗng. Ông ấy mang cả hai thứ lại nhờ tôi tìm giúp chủ của chúng. Thấy con ngỗng có triệu chứng xấu, tôi đã bảo Pê-tơ mang nó về làm thịt còn tôi thì giữ cái mũ.

– Chắc anh đã phán đoán được điều gì từ cái mũ này ?

– Người đội chiếc mũ này ba năm trước khá giả, giờ đã sa sút. Vợ ông ta không còn yêu quý ông ta nữa. Tuy vậy, ông ta vẫn giữ được lòng tự trọng. Ông ta không còn sung sức, tuổi cỡ trung niên, tóc muối tiêu, xức dầu lá chanh. Ông ta mới cắt tóc… một vài ngày trước đây.

Oát-xơn ngạc nhiên:

– Làm sao mà anh biết được những điều đó ?

– Cái mũ này có chất lượng hảo hạng nhưng được dùng 3 năm rồi. Một người đã mua được cái mũ đắt giá như thế từ ba năm trước nhưng từ đó đến nay không sắm nổi một cái mũ mới thì chắc hẳn ông ta đã sa sút. Nhưng ông ta cố che giấu một vài vết bẩn trên mũ bằng cách bôi mực vào, nghĩa là ông ta chưa mất hết lòng tự trọng.

– Về những điểm khác thì sao ?

– Kính lúp cho thấy, một số chân tóc được cắt sạch bằng kéo của thợ cạo. Chúng hơi dính vào nhau và có mùi dầu lá chanh. Phía trong vải lót có những dấu hiệu ẩm ướt, là bằng chứng người đội nó ra mồ hôi nhiều, nghĩa là ông ta không còn sung sức nữa. Cái mũ đã nhiều tuần chưa được chải. Khi mũ có một lóp bụi mà vợ cứ để cho anh đội đi ra ngoài thì e rằng bà xã đã bớt yêu quý anh.

– Biết đâu ông ta còn độc thân ?

– Dưới chân con ngỗng có tấm thiếp nhỏ ghi hàng chữ : “Tặng bà Hen-ri Bếch-cơ”. Trên cái mũ cũng có hai chữ viết tắt “HB”. Những điều đó cho biết người đàn ông này đem ngỗng về nhà để chúc mừng vợ.

– Thật tài tình.

Vừa lúc đó, cửa mở tung ra. Pê-tơ bước vào phòng, hai má đỏ bừng, hổn hển nói:

– Ông Hôm ơi! Con ngỗng! Con ngỗng !

– Nó đã sống lại và vỗ cánh bay qua cửa sổ nhà bếp hay sao mà ông hốt hoảng thế ?

– Ông xem đây ! Nó ở trong con ngỗng. – ông ta chìa tay và trưng ra một hòn đá toả ánh sáng lấp lánh.

Hôm nhổm dậy, khẽ huýt sáo :

– Trời ơi ! Đây là viên kim cương vừa bị mất trộm của nữ bá tước xứ Moóc-ca. Theo lời khai của Giêm Rai-đơ, phục vụ viên trưởng của khách sạn, cảnh sát đã nghi người thợ được gọi đến chữa lò sưởi trong phòng trang điểm của nữ bá tước là kẻ lấy cắp. Anh ta đã bị bắt.

Theo kế hoạch của Hôm, chúng tôi cho đăng một lời nhắn tin trên báo tìm ông Bếch-cơ.

Chiều hôm ấy, một người đàn ông to lớn, mặc áo khoác đen bạc thếch, xưng tên là Hen-ri Bếch-cơ đến nhà Sơ-lốc Hôm. Hôm nói:

– Chúng tôi đã giữ những thứ này mấy ngày rồi. Không hiểu tại sao ông không nhắn tin trên báo.

Vị khách cười ngượng nghịu :

– Bây giờ tôi không được dư dật như xưa. Tôi chắc rằng tụi du đãng đã lấy đi cái mũ và cả con ngỗng. Tôi không muốn mất thêm tiền đăng báo.

– Tôi muốn nói rằng chúng tôi đã buộc phải chén con ngỗng !

– Chén nó ? – Vị khách nhổm dậy, lộ vẻ kích động.

– Vâng, nếu không làm thế, thì cũng đành bỏ đi thôi. Nhưng chúng tôi xin đền ông con ngỗng ngoài cửa kia. Nó cũng nặng và béo như con ngỗng của ông.

– Ô, chắc chắn rồi. – Ồng Bếch-cơ đáp với một tiếng thở dài nhẹ nhõm.

– Nhân tiện, xin ông vui lòng cho biết là ông đã mua con ngỗng ở đâu thế ? Ít thấy một con ngỗng nào đẹp như nó.

– Có gì đâu, thưa ông. – Bếch-cơ vừa nói vừa đứng dậy. – Tôi tham gia Hội chọi ngỗng ở quán An-pha. Mỗi tuần chúng tôi đóng một vài xu và vào dịp Giáng sinh sẽ được nhận một con ngỗng.

Tiễn khách ra về, Hôm và Oát-xon vội lên đường. Sau mười lăm phút, họ đã ở quán rượu An-pha. Ông chủ quán cho biết người cung cấp ngỗng vào dịp lễ Giáng sinh vừa rồi là ông Brê-ki, bán hàng ở chợ Câu-von.

Hai người lại đến chợ Câu-von. Một trong những sạp hàng lớn nhất mang bảng hiệu Brê-ki. Ông chủ sạp đang to tiếng với một gã mặt choắt:

– Tao mua ngỗng của bà Âu-cơ chứ có mua ngỗng của mày đâu ?

– Nhưng có một con ngỗng trong số đó là của tôi. – Gã đàn ông nhỏ thó rên rỉ.

– Tao không biết. Xéo ngay!

Ông ta hùng hổ giơ nắm đấm và anh chàng nọ lùi nhanh vào bóng tối.

Rảo bước qua đám người đang thơ thẩn xung quanh những sạp hàng chói ánh đèn, Hôm bắt kịp người đàn ông và sờ lên vai hắn. Hắn quay lại, mặt cắt không còn một giọt máu :

– Ông là ai ? Ông muốn gì ?

– Tôi là Sơ-lốc Hôm. Tôi biết anh đang cố tìm con ngỗng đã được bán cho ông Bếch-cơ.

– Ồ, ông chính là người mà tôi cần gặp. – Gã đàn ông nhỏ thó kêu lên, hai tay dang ra, những ngón tay run rẩy.

Hôm gọi một xe bốn bánh đang chạy ngang qua.

– Chúng ta nên bàn bạc chuyện này trong một căn phòng. Nhưng làm ơn nói cho tôi biết, tôi đang hân hạnh giúp đỡ ai thế ?

– Tên tôi là Rô-bin-xơn. – Anh ta đáp, mắt liếc trộm.

– Không, tên thật cơ.

Gã thanh niên đỏ bừng mặt lên :

– Vâng, tôi là Giêm Rai-đơ.

– Đúng thế. Anh là phục vụ viên trưởng tại khách sạn Quốc tế.

Người đàn ông liếc nhìn Hôm, đôi mắt nửa sợ hãi, nửa hi vọng. Qua tiếng thở nhẹ và hai bàn tay hết nắm vào lại buông ra, có thể thấy thần kinh anh ta rất căng thẳng.

Về đến nhà, Hôm vui vẻ nói, khi cả ba người đã vào nhà :

– Anh Rai-đơ, con ngỗng ấy màu trắng, có đường sọc ngang qua đuôi, phải không ?

Rai-đơ run rẩy, hồi hộp :

– Thưa ông, ông có thể cho tôi biết nó đang ở đâu không ?

– Nó đẻ một quả trứng rồi chết. Tôi đang giữ quả trứng ấy đây, trong cái viện bảo tàng của tôi.

Vị khách lảo đảo đứng lên, bàn tay phải bấu vào mặt lò sưởi. Hôm mở tủ sắt, đưa ra viên kim cương lấp lánh như một ngôi sao, với làn ánh sáng lạnh lẽo, rực rỡ và nhiều góc cạnh. Rai-đơ đứng trố mắt nhìn, không biết nên nhận nó là của mình hay không nên.

– Trò chơi đã chấm dứt, Rai-đơ ạ. – Hôm lặng lẽ nói. – Anh ăn trộm nhưng lại vu cáo người thợ chữa lò sưởi!

Rai-đơ quỳ xuống tấm thảm van vỉ:

– Xin hãy xót thương tôi! Xin đừng đưa tôi ra toà !

– Chúng ta sẽ bàn về chuyện đó. Bây giờ hãy tường thuật cho chúng tôi nghe những hành vi sau đó của anh.

Rai-đơ liếm đôi môi khô khốc :

– Thưa ông, khi người thợ bị bắt, tôi muốn đem viên ngọc trốn đi ngay. Tôi đến thẳng nhà chị gái tôi là bà Âu-cơ, chuyên kinh doanh gia cầm. Tuần trước, chị tôi hứa cho tôi một con ngỗng vào ngày lễ Giáng sinh. Tôi rượt bắt một con ngỗng đẹp, cái đuôi có đường sọc. Tôi mở miệng nó ra, nhét viên kim cương vào sâu trong đó. Nhưng con vật vùng vẫy, kêu quàng quạc. Chị tôi ra coi chuyện gì, tôi quay sang nói chuyện với chị thì con ngỗng vùng bay đi, lẫn vào những con ngỗng khác. Sau đó, tôi bắt lại con ngỗng, về nhà, tôi mổ bụng con vật nhưng không thấy tăm hơi viên kim cương đâu. Tim tôi như biến thành nước . Tôi để con ngỗng đấy, chạy như bay đến nhà chị tôi. Không còn con ngỗng nào ở đó cả. Chị tôi bảo đã giao hết cho ông Brê-ki ngoài chợ. Thì ra có hai con ngỗng có đuôi sọc và tôi đã không phân biệt được chúng. Tôi chạy ba chân bốn cẳng đến lão Brê-ki này, nhưng ông ta đã bán hết ngỗng và không chịu nói là bán cho ai. Bây giờ, tôi là một tên ăn trộm bị mang án. Vì Chúa, xin các ông hãy tha thứ cho tôi!

Hội nghị Diên Hồng

Thượng hoàng Thánh Tông trịnh trọng hỏi các bô lão: Nước Đại Việt ta tuy là một nước nhỏ ở phương nam nhưng luôn bị nước ngoài nhòm ngó…

Bài học đầu tiên của Gấu con

Ngày chủ nhật Gấu con xin phép mẹ ra đường chơi cùng các bạn...

Ngựa Trắng không nghe lời mẹ

Có một chú Ngựa Trắng lúc nào cũng muốn làm trái với những điều đã được dặn.

Những cậu bé đầu trọc

Gia-sếch được phân vào lớp tôi hồi tháng mười. Hôm đầu đến lớp, nó nhìn quanh lớp một lượt để tìm một chỗ chưa có ai ngồi.

Bài học quý

Trong khu rừng kia, chú Sẻ và chú Chích chơi với nhau rất thân. Một hôm, Sẻ nhận được món quà của bà ngoại gửi đến. Đó là một chiếc hộp đựng toàn hạt kê. Sẻ không hề nói với bạn một lời nào về món quà lớn ấy cả.

Con chim nhỏ

Seryozha (Xi-ri-ô-gia) mừng ngày sinh của mình. Em nhận được bao nhiêu là đồ chơi: chó sói, ngựa, tranh ảnh,… Nhưng thích nhất là chiếc lưới bẫy chim của người anh họ gửi cho.

Hồ Gương

Có một hồ nước rộng, trông thấy đáy. Những khi gió nhẹ mặt hồ phẳng lặng như gương. Một chú Chim nhỏ bay qua thấy bóng mình dưới nước, bèn cất tiếng

Văn hay chữ tốt

Thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

Trần Quốc Toản ra quân

Sáng hôm ấy, Trần Quốc Toản dậy sớm từ biệt mẹ già: Con đi phen này thề sống chết với giặc. Bao giờ đất nước được yên, con mới trở về…