Hoàng Thái Hậu Từ Dũ

Bà Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19-5-1810, quê ở Gia Định. Năm 14 tuổi, bà được tuyển vào cung và được vua Thiệu Trị rất sủng ái.

Năm 1829, bà sinh hoàng tử Hồng Nhậm. Khi Hồng Nhậm tròn 19 tuổi thì được cha truyền ngôi vua, lấy niên hiệu là Tự Đức và bà Từ Dũ trở thành Hoàng Thái hậu.

Bà Từ Dũ hiền thục, đoan trang, sống giản dị, không ưa sự xa hoa. Bà thích đọc sách và suy ngẫm nên rất uyên bác.

Theo thông lệ, triều đình phải tổ chức lễ tấn phong Hoàng Thái hậu cho bà một cách trọng thể, nhưng bà lần lữa không muốn làm. Nhà vua năn nỉ, các quan khẩn cầu nhiều lần bà mới đồng ý, nhưng bà bắt làm thật đơn giản, không được bày biện tốn kém.

Dù ở ngôi Hoàng Thái Hậu nhưng bà vẫn dùng chiếc quạt giấy đã rách mép, bao đựng kính đã sờn. Những cây nến trong cung khi thắp còn lại mẩu thừa, các cung nữ thường vứt đi, bà bảo phải gom để dành, dồn lại nấu thành cây nến khác. Bà thường nói với cung nữ:

– Ta tự xét không làm gì có ích cho nước nhà, không thể cậy thế là mẹ vua để ăn tiêu xa xỉ. Một sợi tơ, một hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của dân, không được coi thường mà hoang phí.

Ở địa vị như bà, xưa nay không ít người lợi dụng quyền chức để mưu cầu cho người thân, cho dòng họ mình. Bà không làm như vậy, trái lại còn rất nghiêm khắc. Một người họ hàng của bà từ Gia Định ra Huế cầu xin vua Tự Đức ban cho chức tước. Khi con hỏi ý kiến, bà bảo :

– Người trong họ của ta không có công lao thì không được ban tước, ai làm điều sai trái cũng phải nghiêm trị theo phép nước.

Bà Từ Dũ còn nổi tiếng là người mẹ mẫu mực, rất có ý thức trong việc dạy dỗ, rèn cặp con mình, ngay cả lúc con đã làm vua. Đêm đêm, Tự Đức có lệ đọc sách cho mẹ nghe. Sau mỗi đoạn, Thái hậu thường phân tích các sự kiện, nhân vật, rút ra những bài học sâu sắc, qua đó gợi cho Tự Đức kinh nghiệm ứng xử và điều hành việc nước.

Nhà vua do sức yếu nên việc triều chính có lúc trễ nải. Một số quan lại lợi dụng thời cơ lộng quyền vơ vét. Đại thần Phạm Phú Thứ dâng sớ phê phán và khuyên can vua. Tự Đức đọc xong nổi giận, nghe theo bọn gian thần, cách chức Phú Thứ, giáng xuống làm lính. Biết tin ấy, Thái hậu cho mời vua đến, hỏi:

– Ông Phạm dâng sớ trách cái tính lười biếng của con thì ông ấy được lợi gì?

Nhà vua thưa:

– Ông ấy không được lợi gì, nhưng bề tôi sao dám chê trách vua như thế?

Thái hậu nhẹ nhàng:

– Người thẳng thắn thì mới dám nói sự thật. Còn những người chỉ bẩm bẩm, dạ dạ có chắc họ trung với vua không?

Vua cúi đầu im lặng. Thái hậu tiếp:

– Ông Phạm làm lính, có thấy ông ấy buồn không?

Vua thưa:

– Ông ấy không buồn. Chiều chiều ông ấy thường thả thuyền, ngâm thơ.

Thái hậu nói:

– Con thấy không, người trượng phu không phải vui ở chức tước, mà cốt là ở việc làm chân chính không hổ thẹn với lòng mình.

Tự Đức hiểu ra, sụp lạy mẹ. Sau đó, Phạm Phú Thứ được triệu về kinh, khôi phục chức cũ, sau này trở thành một vị đại thần thân cận của vua Tự Đức.

Bà Từ Dũ sống trong giai đoạn nước nhà lâm nạn. Tự Đức qua đời năm 1883 làm bà rất đau buồn. Khi nghe tin Nam Bộ bị Pháp chiếm, bà khóc thảm thiết, nhịn ăn ba ngày. Lúc kinh thành thất thủ, bà theo vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị. Bà luôn động viên vua kiên trì chống Pháp. Sau, vì già yếu bà phải quay về Huế, sống âm thầm, lặng lẽ cho tới khi qua đời, hưởng thọ 91 tuổi.

Người con gái miền đất đỏ

Buổi trưa năm 1947, giữa những lô cao su thẳng tắp, cô bé 14 tuổi Võ Thị Sáu úp mặt vào một thân cây khóc rưng rức. Sáng nay, giặc Pháp tràn qua Bà Rịa. Bọn giặc tàn ác vây chợ, đốt làng, giết hại bao người.

Người con gái hiếu thảo

Một bà mẹ sinh được bảy cô con gái. Một dạo bà đi thăm cậu con trại ở xa. Một tuần lễ sau, bà trở về nhà. Mới bước chân vào nhà, bà đã nghe các con gái lần lượt nói lên nỗi mong nhớ của mình...

Người cha của hơn 8000 đứa trẻ

Nằm chơi vơi giữa Ấn Độ Dương, Ma-đa-ga-xca là vùng đất khắc nghiệt nhất châu Phi, quanh năm hứng chịu những trận bão từ ngoài khơi đổ bộ vào.

Củ cải trắng

Mùa đông đã đến rồi, trời lạnh buốt. Thỏ con không còn gì để ăn nữa, nó đành mặc áo ấm và đi ra khỏi nhà để tìm cái ăn.

Diều hâu và Chích Choè

Ngày xưa trong khu rừng già nọ, có một con diều hâu luôn luôn huênh hoang, hợm hĩnh. Nó tự coi mình là chúa tể của muôn loài chim, tự hào về sức khoẻ vô địch của nó. Một hôm diều hâu tập hợp tất cả các loài chim lại và lên giọng thách thức...

Mèo Vàng thi hát

Cứ đến kỳ ông trăng trở lại trên bầu trời, như chiếc đĩa bằng bạc xinh xẻo, tỏa ánh sáng mát dịu trên làng mạc, cây cỏ, thì các con vật trong làng lại rủ nhau ra gốc đa thi hát.

Phép tính chia

Hương có hai chị em. Hương lên tám, là chị. Còn cậu em tên là Dũng, lên sáu. Bố Hương làm ở một viện khoa học. Còn mẹ Hương là giáo viên mẫu giáo...

Vua Lê Đại Hành giữ nước

Tháng 7 năm Canh Thìn (980), đại quân Tống xâm lược Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) đã chỉ huy ba quân đánh giặc, đại thắng trên cả hai mặt trận thuỷ bộ, mở ra kỉ nguyên Đại Việt bách thắng.

Nàng tiên mưa

Hôm nay, Vịt con được mẹ cho ra sông tắm mát. Vịt con thích lắm. Những hạt nước bé xíu tinh nghịch rủ nhau trèo lên lưng, lên đầu Vịt con rồi lại lăn xuống mặt nước.