Ngày vui của Bé

Cúc cúc cúc… úc… Bé vừa tròn môi gọi vừa rải nắm gạo ra sân cho bầy gà con quây tụ lại. Chỉ loáng một cái là gà mẹ đã tập hợp đàn con một cách đông đủ. Bé lấy làm hài lòng lắm. Mà sao không có gà cha nhỉ? Cha nó chết sớm hay bỏ mẹ con nó rồi? Nhưng dù sao thì lũ gà con cũng chẳng buồn như Bé đầu vì chúng còn có chị có em để mà vui chơi. Còn Bé, Bé chỉ có mỗi một mình thôi.

Mấy hôm nay bố mẹ Bé lại giận nhau. Người lớn thật lạ! Mỗi khi họ giận nhau thì có chuyện gì cũng phải nhờ trẻ con truyền đạt lại. Chẳng hạn như: “Bảo bố mày chở đi học. Mẹ mệt lắm”, hoặc “Mày bảo có ai ăn cơm thì tự giác mà ăn, khỏi phải mời nhiều”, “Sẩy cha ăn cơm với cá. Sẩy mẹ liếm lá gặm xương con ạ!”… Thậm chí Bé đưa giấy mời họp phụ huynh thì nghe mẹ nói như nói với người lớn ấy, rất là khó hiểu: “Mời ai thì người đó đi, sao mày lại đưa cho tao”. Bé hoàn toàn chẳng thích mình là nhân vật quan trọng kiểu như thế!

Sáng nay cô giáo lại đưa cho Bé một cái giấy mời họp phụ huynh, cô còn nói thêm: “Hạnh Ly được phần thưởng xuất sắc nhất toàn khối Hai, về bảo bố mẹ thưởng nhiều vào nhé”. Lúc ấy, Bé sướng rơn trong bụng, trên đường về Bé vừa đi vừa hát. Nhưng khi bước vào căn nhà vắng ngắt thì Bé bỗng sực nhớ bố mẹ đang giận nhau. Bé liền im lặng ngay.

Bây giờ nhìn đàn gà con tung tăng nhặt gạo, Bé cảm thấy yên tâm hơn trong lòng. Lẽ ra Bé phải vui hơn vì Bé có mẹ, lại có cả bố nữa. Làm thế nào để bố mẹ làm lành với nhau nhỉ?

Lấy trong cặp ra tờ giấy mời đọc lại, mọi nỗi buồn trong lòng Bé bỗng chốc như tan biến cả. Cả bố và mẹ đều giống nhau ở chỗ rất thích Bé đạt điểm mười hoặc được nhận giấy khen, phần thưởng. Vậy thì Bé phải làm thế nào để cả hai người đến trường dự lễ phát thưởng. Bố mẹ sẽ có cơ hội làm lành với nhau thôi mà. Có điều trong tờ giấy mời, cô giáo lại chỉ ghi “Mời ông…” chứ không có “Mời bà…”. Làm thế nào, làm thế nào bây giờ nhỉ?

A, Bé nghĩ ra một cách rồi đây. Bé khoá vội cửa lại chạy đến nhà cô giáo. Trời rất nắng, mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng mà Bé chẳng cảm thấy gì cả. Cô giáo đang nấu cơm ở trong nhà. Nếu như mọi bận thì Bé rụt rè đứng ngoài chứ chẳng dám bước vào nhà cô, còn hôm nay Bé quên cả sợ hãi, vừa đi vào bên trong vừa nói như không kịp thở:

– Thưa cô, con xin cô mời cả mẹ nữa ạ.

Cô vẫn chưa hết ngạc nhiên và chưa hiểu ra ý Bé. Cô liếc tờ giấy mời trên tay Bé:

– Có chuyện gì vậy em? Giấy mời ghi lộn tên à?

– Thưa cô không ạ, là vì… cô chỉ mời bố đi họp mà không mời mẹ. Con muốn cả hai người cùng đi ạ!

Cô giáo bỗng phì cười:

– Cô mời bố thì có nghĩa là cả mẹ nữa đấy, ai đi cũng được, có cả hai càng tốt chứ sao nào?

Bé thở phào và mạnh dạn hẳn lên:

– Con muốn cô ghi thêm cả chữ “Bà” nữa vì bố mẹ con đang giận nhau.

– À, ra thế, để cô ghi ngay bây giờ đây. Tội nghiệp, nắng như thế này! Để cô về nhà cùng với em cho vui nhé!

Ngày hôm ấy với Bé đúng là một ngày vui nhất đời. Vì bố mẹ đã làm lành với nhau, lại còn có vẻ rất hạnh phúc nữa khi cô giáo cho họ biết tin Bé được khen thưởng là học sinh xuất sắc nhất của khối lớp Hai.

Pho tượng của nhà điêu khắc

Ngày xửa ngày xưa, tại thành phố nhỏ Đuyt-xen-đoóc ở nước Đức có một nhà điêu khắc nổi tiếng, tên gọi Gơ-ru-pen-lô. Tác phẩm của ông đẹp đến nỗi đức vua trị vì thời đó đã đặt nhà điêu khắc một bức chân dung...

Hạt mầm thần kỳ

Hôm nay là ngày cuối tuần, nhưng cả bố và mẹ đều phải đi làm nên An Đông phải ở nhà một mình. Trước khi đi, bố mẹ dặn - Con ở nhà chơi ngoan nhé, đừng nghịch đồ đạc linh tinh, không cẩn thận là sẽ gặp nguy hiểm đấy...

Lạc đàn

Nhà Kiến ở ven sông, sâu trong một hẻm đá. Thật đông và vui. Hằng ngày, theo chân Kiến chúa, cả đàn rời tổ từ sáng sớm để tìm kiếm thức ăn. Dòng họ Kiến sống vốn có kỉ luật nên đi đâu cũng thành đàn thành lũ.

Người con gái miền đất đỏ

Buổi trưa năm 1947, giữa những lô cao su thẳng tắp, cô bé 14 tuổi Võ Thị Sáu úp mặt vào một thân cây khóc rưng rức. Sáng nay, giặc Pháp tràn qua Bà Rịa. Bọn giặc tàn ác vây chợ, đốt làng, giết hại bao người.

Một phát minh nho nhỏ

Ma-ri-a là một cô bé rất thích quan sát. Một hôm, trong phòng khách, cô bé nhận thấy mỗi lần gia nhân bưng trà lên, bát đựng trà thoạt đầu rất dễ trượt trong đĩa.

Ván cờ đầu xuân

Mới mười ba tuổi mà thằng Hiển đa nổi danh là một tay cao thủ cờ tướng. Thoạt đầu thằng Hiển tập chơi với anh nó ở nhà, rồi do mê cờ, nó mua thêm sách dạy đánh cờ tướng về nghiên cứu các thế “độc chiêu”.

Giai thoại về bản xô-nát Ánh trăng

Gần 200 năm trước đây, nằm bên bờ sông Ranh, miền tây nước Đức, có một thị trấn bé nhỏ và nghèo nàn. Đó là thành phố Bon ngày nay, quê hương của nhà soạn nhạc vĩ đại Bét-tô-ven.

Thầy và trò

Năm nọ, cậu học trò dốt nhất lớp đến chúc Tết thầy. Ông đồ quá ngạc nhiên vì trò này luôn chậm chạp nhất lớp lại đến chúc Tết thầy sớm nhất.

Chuyện kể về Lương Thế Vinh

Thủa nhỏ, Lương Thế Vinh trọ học ở phía nam kinh thành. Vinh rất thông minh, học hành chóng giỏi. Trong khi chơi đùa với các bạn, Vinh cũng tìm được nhiều trò chơi lí thú.