Cuối thế kỷ XX "Người thám hiểm Mặt Trăng" đã phát hiện trên Mặt Trăng có nước. Tin này đối với loài người, vui mừng như Côlômbô phát hiện ra đại lục châu Mỹ.
Từ năm 1996, khi nghiên cứu và phân tích 1500 bức ảnh do "KLaimen" chụp được, các nhà khoa học đã tranh luận vì có một bức ảnh khiến cho họ hoài nghi trên Nam Cực Mặt Trăng có băng.
Do đó thiết bị "Người thám hiểm Mặt Trăng" được phóng lên để chứng thực điều đó.
Ngày 6 tháng giêng năm 1998 "Người thám hiểm Mặt Trăng" được phóng lên và ngày 12 tháng giêng đi vào quỹ đạo Mặt Trăng một cách thuận lợi, bắt đầu tìm kiếm nước. Trên bầu trời của Mặt Trăng, thiết bị này tìm kiếm nước như thế nào?
Nguyên là "Người thám hiểm Mặt Trăng" đã mang một thiết bị tìm nước rất tiên tiến - máy quang phổ nơtron. Như ta đã biết, phân tử nước do hai nguyên tố hydro và oxy cấu tạo thành. Máy quang phổ nơtron đặc biệt nhạy cảm với nguyên tử hydro, cộng thêm trên Mặt Trăng hầu như không có không khí, cho nên nếu máy quang phổ nơtron phát hiện trên Mặt Trăng có nguyên tử hydro tồn tại thì có thể tìm ra nước. Khả năng tìm nước của máy quang phổ nơtron rất cao. Nó bay trên cao nhưng vẫn có thể phát hiện được một cốc nước nhỏ ngấm trong một m3 đất đá trên Mặt Trăng.
"Người khám phá Mặt Trăng" qua bảy tuần thăm dò và quét bề mặt Mặt Trăng đã phát hiện dưới đáy bồn địa hai cực của Mặt Trăng tồn tại nước. Bởi vì ở đó ánh nắng Mặt Trời quanh năm không chiếu đến, nhiệt độ rất thấp, thường dưới -150 °C, cho nên nước tồn tại dưới dạng băng. Bề mặt trên của băng còn phủ một tầng đất dày mấy chục cm.
Vậy nước trên Mặt Trăng từ đâu mà đến? Các nhà khoa học cho rằng Mặt Trăng thường bị sao chổi va chạm, hàm lượng nước trong sao chổi khoảng 30%-80%. Hàm lượng nước ở trong hơi nước của sao chổi cao đến 90%. Nhưng thuỷ phần này ở trên bề mặt Mặt Trăng vì bị ánh nắng Mặt Trời chiếu đốt mà bốc hơi, một bộ phận hơi nước tích tụ lại trong bồn địa ở hai cực của Mặt Trăng có nhiệt độ rất thấp. Nhưng số băng này không phải tập trung ở một chỗ mà là lẫn với đất bụi.