Cứ vào sáng sớm mùa hè, hai bên đường loài hoa khiên ngưu xòe to những chiếc “loa” màu lam tím, đón ánh nắng Mặt Trời từ phương đông, trông chúng rất là vui vẻ. Nhưng vào lúc 9 – 10 giờ tối hoặc giữa trưa nếu ta đi xem thì hoa khiên ngưu lúc này không còn một chút sắc khí nào cả, nó đã héo rũ. Ngày hôm sau chúng ta lại có thể thấy những đóa hoa khiên ngưu mới ra khác.
Tại sao hoa khiên ngưu lại sớm nở trưa tàn như vậy?
Nói chung, tập tính sống của một số loài thực vật hay động vật thường được chọn lựa và di truyền một cách tự nhiên trong một thời gian dài; thế nhưng phần nhiều là do thực vật vốn chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường ngoại cảnh như ánh sáng, nhiệt độ v.v. Lấy hoa khiên ngưu làm ví dụ, không khí sáng sớm tương đối ẩm ướt, ánh nắng yếu, điều kiện môi trường như vậy thích hợp nhất với hoa, lúc đó các tế bào biểu bì trên cánh hoa (tức là phía bên trong cánh hoa) phát triển nhanh hơn các tế bào biểu bì bên dưới (tức là phía bên ngoài cánh hoa), vì vậy hoa xòe cong ra bên ngoài tức là hoa nở. Đến trưa, ánh nắng mạnh hơn, không khí khô, những đóa hoa mềm mại vì thiếu nước sẽ héo đi.
Mặc dù hoa khiên ngưu cần ánh nắng nhưng lại sợ nắng quá gắt, không khí buổi sáng sớm phù hợp với nó, cho nên nó nở hoa vào sáng sớm. Có một số thực vật khác, thời gian nở hoa của nó trái ngược với hoa khiên ngưu, như loài hoa nở về đêm ví dụ như hoa dạ hương, hoa nguyệt quan, hoa bầu v.v. chúng sợ ánh sáng mạnh, ban ngày khép lại, tối mới nở hoa. Tại sao vậy?
Từ tập tính nở hoa của hoa khiên ngưu, chúng ta biết, thời gian nở hoa của thực vật có mối quan hệ với môi trường ngoại cảnh, như nhiệt độ và ánh sáng đều ảnh hưởng trực tiếp tới chúng, và thực vật nở hoa buổi tối cũng như thế. Ví dụ hoa đàn, cánh hoa vừa to vừa mềm mại, cần một nhiệt độ thích hợp mới có thể nở hoa, nhiệt độ ban ngày quá cao, không khí khô, đến đêm khuya nhiệt độ hạ xuống thấp đều không có lợi cho hoa nở, chỉ nhiệt độ và độ ẩm vào tầm 9 – 10 giờ tối mùa hè là thích hợp nhất, vì thế nó thường nở hoa vào buổi tối, hơn nữa chỉ nở hai, ba tiếng đồng hồ, như thế sẽ tránh được sự tổn hại do nhiệt độ cao và thấp gây nên.
Ngoài ra, các hoa khiên ngưu, hoa đàn, hoa nguyệt quang v.v. đều do côn trùng truyền phấn, ngoài ảnh hưởng của ánh nắng Mặt Trời và nhiệt độ ra, thời gian nở của hoa sớm hay muộn còn có quan hệ với thời gian khi côn trùng đi lấy mật. Sau khi trời tối, những con ong bướm đã nghỉ ngơi, lúc này chỉ có vài loại bướm thiêu thân là hoạt động, hơn nữa chỉ xuất hiện sau hoàng hôn. Cho nên những loài hoa nhờ loài bướm này truyền phấn đều nở vào buổi tối.
Mỗi loài thực vật đều chọn thời gian thích hợp nhất để thụ phấn ra hoa, vì chỉ có vậy thì việc kết trái, truyền giống mới có kết quả.