Con người luôn luôn thở: hít khí oxi và thải khí cacbonic. Con người phải như vậy và các loài động vật như trâu, bò, ngựa, chó, lợn v.v. cũng như vậy. Tuy nhiên điều lạ là thực vật cũng phải thở liên tục ngày đêm không nghỉ. Có điều là vì ban ngày có ánh sáng, tác dụng quang hợp rất mạnh, lượng khí cacbonic cần cho sự quang hợp vượt xa lượng cacbonic mà cây xanh nhả ra khi hô hấp. Vì vậy ban ngày thực vật dường như chỉ tiến hành quang hợp, hít khí cacbonic, nhả khí oxi. Đến tối, ánh sáng Mặt Trời không còn nữa, sự quang hợp ngừng, lúc này thực vật chỉ còn hô hấp, hít oxi và nhả khí cacbonic.
Song, thực vật hút khí từ đâu và nhả khí từ đâu?
Thực vật không giống như con người, toàn cơ thể của chúng đều là “lỗ mũi”, mỗi một tế bào sống của nó đều tiến hành hô hấp, chất khí thông qua một số lỗ nhỏ trên cơ thể nó, đi ra đi vào, hít oxi và nhả khí cacbonic.
Sự hô hấp của thực vật đều tiêu hao một số chất hữu cơ trong cơ thể của chúng, thế nhưng sự tiêu hao này không phải là sự tiêu hao vô nghĩa. Trên thực tế chính là dùng khí oxi hít vào để phân giải chất hữu cơ. Sau khi chất hữu cơ bị phân giải sẽ giải phóng năng lượng, làm động lực không thể thiếu cho hoạt động sinh lý như sinh trưởng, hấp thụ v.v. của cây. Đương nhiên cũng có một phần năng lượng sau khi chuyển biến thành nhiệt sẽ tiêu tan mất.
Tác dụng hô hấp đó của thực vật được gọi là “hô hấp ánh sáng”, có quan hệ mật thiết với tác dụng quang hợp, sự hô hấp ánh sáng cần phải tiêu hao hết một phần chất hữu cơ do sự quang hợp tạo ra. Có những cây sự hô hấp ánh sáng tương đối mạnh, tiêu hao nhiều hơn, có một số cây sự hô hấp ánh sáng tương đối yếu, tiêu hao ít hơn, điều này có liên quan trực tiếp tới sản lượng cây trồng. Vì thế các nhà khoa học rất coi trọng việc nghiên cứu chức năng sinh lí hô hấp ánh sáng của thực vật.