Bác Gấu bứt quả trên cây, mấy người thợ săn tới. Đàn Gà Rừng, trước khi bay, còn “quác, quác, quác” báo hiệu, bác Gấu chạy thoát.
Ơn Gà Rừng cứu mạng, bác Gấu tìm đến kết bạn với cả đàn gà, bác bảo:
– Từ giờ, nếu bị kẻ nào bắt nạt, các bạn hãy cho tôi biết!
Một thời gian sau, đàn gà kêu đến hang Gấu mách Cáo hay rình bắt chúng. Gấu khuyên:
– Các bạn hãy đến kiếm ăn gần chỗ tôi. Cáo đến, tôi sẽ trừng trị.
Nghe theo lời người bạn lớn, ngày ngày, đàn gà rừng theo bác Gấu đi kiếm ăn, bác Gấu về hang ngủ (bác rất hay ngủ), đàn gà cũng về gần hang bác kiếm mồi.
Chiều nọ, bác Gấu đang ở trong hang bỗng nghe tiếng Gà kêu táo tác:
– Cáo đến! Cáo đến!
Bác Gấu đâm bổ ra:
– Đâu? Cáo đâu?
Làm gì có Cáo: mấy con gà tinh nghịch kêu đùa nhau làm bác Gấu lầm.
Lần khác, bác Gấu đang ngủ li bì bỗng nghe văng vẳng bên tai:
– Cáo tha Đại Bàng!
Bác Gấu khẽ cựa mình, lẩm bẩm “lại đùa “ rồi ngủ tiếp. Tiếng Gà ngoài hang vẫn vẳng tới:
– Bác Gấu ơi! Cáo tha Đại Bàng!
Trống đầu đàn phải bay vào hang kêu ầm ĩ, bác Gấu mới chạy ra. Cáo đã tha chú Gà Choai chạy mất hút rồi. Bác Gấu đau khổ kêu lên:
– Các cậu cứ la “cáo tha Đại Bàng”, ai mà biết được.
– Khổ quá – Gà Mái mẹ than thở – nó tự đặt tên là Đại Bàng, chúng tôi cũng quen gọi nó là Đại Bàng, thành ra hôm nay, chúng tôi kêu mãi, bác không ra!
Sau chuyện này, một loạt gà rừng mang tên Công, Hạc, Trĩ, Loan, Phượng, Ưng… đổi thành Đỏ, Đen, Nâu, Vàng, Vộc, Trụi… Tiếng “Cáo đến” không còn là tiếng đùa vui của đàn gà rừng nữa. Nhờ thế, đàn gà rừng đã an toàn.