Cậu bé viết thuê

 

Đó là một cậu bé mười hai tuổi, tên là Giu-li-ô, con trai đầu của một nhân viên đường sắt. Người bố lương ít lại đông con nên đời sống rất chật vật. Ông phải kiếm việc làm thêm vào ban đêm. Một nhà xuất bản giao cho ông viết tên và địa chỉ của những người đăng kí mua sách báo dài hạn lên những băng giấy để gửi đi. Cứ năm trăm băng địa chỉ, ông được ba lia. Công việc phải thức quá khuya khiến ông rất mệt mỏi. Ông thường than thở trong bữa cơm chiều:

– Mắt tôi đến hỏng mất!

Một hôm, cậu con trai nói với bố:

– Bố hãy để con viết thay bố nhé. Chữ con cũng giống chữ bố mà.

– Không được. Con phải lo học cho giỏi, sau còn giúp gia đình. – Bố cậu trả lời. – Việc học của con quan trọng hơn việc viết băng của bố nhiều.

Thấy bố đã quyết, cậu bé không cố nài. Nhưng cậu biết cứ đến nửa đêm, khi chuông đồng hồ dứt mười hai tiếng, bố mới rời phòng làm việc, về phòng ngủ.

Một đêm, chờ bố ngủ yên, cậu trở dậy, rón rén bước vào phòng làm việc của bố, thắp đèn lên. Trên bàn là một tập dày những băng giấy trắng bên tờ danh sách khách hàng. Cậu bắt đầu viết, bắt chước y hệt nét chữ của bố. Các băng viết xong chồng cao dần lên. Cậu đã viết được một trăm sáu mươi địa chỉ. Được một lia rồi! Thế là cậu dừng lại, để cái bút vào chỗ củ, tắt đèn và rón rén trở về phòng ngủ.

Trưa hôm ấy, người bố ngồi vào bàn ăn, vui vẻ hơn mọi khi:

– Giu-li-ô này ! Đêm qua, bố đã làm được nhiều hơn các đêm trước một phần ba công việc đấy. Con thấy không, bố còn nhanh tay, tinh mắt chán !

Giu-li-ô rất sung sướng vì ngoài số tiền kiếm thêm, cậu đã đem lại cho bố niềm vui vì tưởng mình còn khoẻ.

Đêm hôm sau, Giu-li-ô lại dậy. Cứ thế, hết đêm này qua đêm khác, bố cậu vẫn không hay biết gì. Chỉ một lần trong bữa tối, bố bỗng thốt lên : “Thật lạ, dạo này dầu hoả sao chóng hết quá !”

Đêm nào cũng thức khuya như vậy nên Giu-li-ô thiếu ngủ. Tối đến, ngồi học bài, mắt cậu cứ díp lại. Một buổi tối, cậu gục đầu trên trang vở mà ngủ. Bố dịu dàng lay cậu dậy. Tối hôm sau, cậu vẫn không thể cưỡng lại nổi cơn buồn ngủ. Sự mệt mỏi ngày càng tăng. Cậu thường gục đầu trên sách mà ngủ, dậy trưa hơn thường lệ, học bài vội vã. Người bố lần đầu tiên đã quở trách con:

– Giu-li-ô, bố rất phiền lòng về con. Con thay đổi nhiều quá !

Nghe thế, Giu-li-ô bối rối và tự nhủ sẽ tạm dừng công việc ban đêm.

Nhưng chính tối hôm đó, bố về nhà rất vui. Ông khoe tiền công viết băng tăng hơn tháng trước ba mươi hai lia, rồi lấy trong túi ra một gói kẹo thưởng cho các con. Lũ trẻ hớn hở, reo mừng. Thấy cảnh ấy, Giu-li-ô lại nhủ thầm sẽ cố gắng học ban ngày nhiều hơn để đêm đến vẫn tiếp tục làm việc được cho bố.

***

Đã hai tháng trôi qua. Vì thiếu ngủ, Giu-li-ô đuối sức dần. Bố vẫn quở trách cậu về tội trễ nải học hành. Cho đến hôm ông tìm gặp thầy giáo của Giu-li-ô và biết cậu con trai vốn thông minh giờ học hành ngày càng sa sút thì ông tức giận thực sự, nặng lời trách mắng con :

– Giu-li-ô ! Bố đã làm việc ngày đêm để nuôi gia đình, lo cho các con ăn học. Thế mà con lại lười biếng, không biết thương bố mẹ. Con làm bố rất thất vọng.

Nghe bố mắng, Giu-li-ô khóc nhưng hiểu khó khăn của gia đình, cậu càng quyết tâm tiếp tục việc đã làm. Cậu nghĩ mình chỉ cần cố gắng để thi đỗ, không cần học giỏi, như thế vẫn có thể giúp đỡ được gia đình.

Hai tháng nữa lại trôi qua. Tình hình tồi tệ hơn. Bố dần dần lạnh nhạt với Giu-li-ô, coi cậu như một đứa trẻ ương ngạnh, bạc bẽo. Giu-li-ô rất đau khổ. Nỗi phiền muộn cộng với sự mệt nhọc làm cho cậu trở nên xanh xao, gầy gò, việc học cũng ngày càng trễ nải. Giu-li-ô hiểu tình trạng này phải chấm dứt, cậu phải trở lại học giỏi như xưa để được bố yêu thương. Nhưng mỗi khi chuông điểm 12 tiếng, cậu lại day dứt cho rằng nếu cậu nằm tiếp thì gia đình sẽ mất một lia. Thế là cậu lại choàng dậy.

Đêm ấy, Giu-li-ô thức dậy, ngồi vào bàn, bắt đầu công việc. Nhưng khi dang tay ra với chiếc bút, cậu làm rơi một cuốn sách xuống đất. Cậu giật mình, lắng tai nghe. Không một tiếng động. Cả nhà vẫn ngủ say. Cậu yên tâm, cắm cúi viết. Nhưng bố đã đứng sau lưng cậu. Ông thức dậy khi nghe tiếng cuốn sách rơi, rón rén đi chân trần vào phòng làm việc và đã nhìn thấy tất cả. Lòng tràn ngập một tình thương yêu vô hạn, ông ôm lấy con :

– Hãy tha lỗi cho bố, Giu-li-ô yêu quý ! – Ông bố hôn con những cái hôn đầm đìa nước mắt. – Bố xin lỗi con.

Nhấc bổng Giu-li-ô ra khỏi ghế, bố bế cậu đặt vào giường người mẹ vừa thức giấc và nói:

– Mình hãy hôn đứa con hiếu thảo của chúng ta. Hơn bốn tháng nay, con nó đã không ngủ để làm việc thay tôi. Thế mà tôi nỡ trách nó.

Bà mẹ ôm chặt con vào lòng, không nói nên lời.

Bố lại bế Giu-li-ô về buồng của cậu, đặt vào giường, sửa gối, đắp chăn cho Giu-li-ô. Cậu bé mệt quá, thiếp đi.

Khi cậu tỉnh giấc, mặt trời đã lên cao. Cậu thấy mái đầu của bố tựa trên thành giường. Thì ra, bố đã ngồi cả đêm bên cậu với niềm vui thấy con ngủ ngon lành.

Chuyện ở vườn hoa

Bé Ngân thích nhất là mỗi buổi chiều được ông nội cho đi đến câu lạc bộ hưu trí ở cạnh vườn hoa. Trong khi ông chơi cờ, đánh cầu lông thì Ngân tha hồ chơi đu quay, cầu trượt, bập bênh cùng các bạn.

Chim Non không ngoan

Có một chú Chim Non sống cùng với mẹ trong một cái tổ nho nhỏ nằm ven rừng. Thật ra thì chú cũng đã lớn rồi. Hai bên cánh đã có những chiếc lông to, dài xen lẫn với đám lông tơ mọc lún phún...

Bức tranh cụ già ngồi câu cá

Vào đầu tháng 3 năm 1958, cửa hàng cụ Chinh bỗng dưng tấp nập hẳn lên. Khách đến mua tranh, đặt tranh không lúc nào ngớt. Ai cũng năn nỉ đòi mua cho kì được bức tranh “Cụ già câu cá”.

Chuyện của mây

Trên trời có một đám mây xinh đẹp, suốt ngày nhởn nhơ bay lượn. Nhưng bay mãi một mình, mây cũng cảm thấy buồn. Mây chợt nhớ tới chị gió, vội bay đi tìm chị.

Tiếng kêu cứu

Bác Gấu bứt quả trên cây, mấy người thợ săn tới. Đàn Gà Rừng, trước khi bay, còn “quác, quác, quác” báo hiệu, bác Gấu chạy thoát.

Chẳng giống nhau

Nghỉ hè, Ni-ki-ta, Gô-sa, Chi-om-ka về thăm bà ngoại. Ăn cơm xong, cả ba rời khỏi bàn...

Bàn tay mẹ

Bình yêu nhất là đôi bàn tay mẹ. Tay mẹ không trắng đâu. Bàn tay mẹ rám nắng, các ngón tay gầy gầy, xương xương. Bình rất thích áp hai bàn tay của mẹ vào má. Hai bàn tay xoa vào má cứ ram ráp nhưng không hiểu sao Bình rất thích.

Làm Pla-ti-ni đến cùng

Hưng và Trang là hai anh em nhưng trông suýt soát nhau, vì Hưng hơn Trang có một tuổi. Hai anh em cũng rất mê bóng đá. Các buổi tường thuật bóng đá trên truyền hình, hai anh em không bỏ qua một buổi nào.

Quả táo của Bác Hồ

Tháng 4-1946, với danh nghĩa là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước.