Hằng năm, loài chim tổ chức họp mặt trên một hòn đảo ở một vùng biển xa xăm. Họ hàng nhà chim từ khắp bốn phương tới đây để thảo luận về mối quan hệ với loài người. Ai nấy thi nhau phát biểu.
Sáo Đen kể rằng họ nhà sáo đã cứu bao làng mạc thoát khỏi nạn đói đe doạ vì những cuộc tấn công của châu chấu. Sáo tự hào nói:
– Loài người từ xưa đã gọi chúng tôi là những vị cứu tinh của lúa và rất kính trọng chúng tôi.
Tiếp lời Sáo, Quạ kể ràng mùa hè, họ hàng nhà quạ chén toàn sâu, bọ rầy, bắt cả chuột đồng giúp người. Nhưng sang xuân, thức ăn khan hiếm, quạ phải nhổ cả những mầm ngô non mới nhú để ăn. Thế là loài người bèn liệt quạ vào loài chim có hại. Kể đến đây, Quạ gục đầu xuống thở dài: “Quà…à…ạ…”
Nghe chuyện Quạ, Sẻ bỗng nhớ lại tai hoạ mà loài sẻ đã phải chịu đựng :
– Tích-ti-rích ! Các bạn biết không, chỉ vì chúng tôi chót mổ những quả cây chín mọng, nhổ những củ hành từ dưới đất lên, ăn những hạt lúa trên đồng mà nhiều người đã tìm cách diệt trừ giống sẻ. Rất nhiều bạn tôi đã bị giết.
Giọng nghẹn ngào, Sẻ kể tiếp :
Đến mùa xuân, con người mới thấy vì tiêu diệt chúng tôi mà đồng ruộng và vườn cây bị thiệt hại nặng. Trên cánh đồng lúc nhúc đủ loại côn trùng hại lúa. Trong vườn cây, sâu bọ cắn nát chồi non, đục ruỗng thân cành. Nhưng chim sẻ không còn để giúp người diệt sâu bọ, côn trùng. Lúc ấy, con người mới hiểu chính họ đã làm tan vỡ tình bạn từ bao đời nay với chim sẻ. Họ vội vã đón rước sẻ từ xứ khác về, nối lại quan hệ xưa. Có lẽ giờ đây họ sẽ không còn kết tội loài sẻ chúng tôi nữa.
Tất cả các đại biểu đều chúc mừng Sẻ.
Hôm đó, đại hội kéo dài đến khuya, nhiều loài chim tiếp tục than phiền về sự đối xử bất công của con người. Chỉ có Hoạ Mi suốt buổi im lặng, giờ mới cất tiếng hót. Ban đầu còn khe khẽ, sau to dần, to dần. Tất cả mọi vật xung quanh, từ bầu trời, mặt biển, ánh trăng… cho đến những đỉnh núi mờ xa đều lắng nghe tiếng hót của Hoạ Mi.
Tiếng Hoạ Mi vọng vào đất liền. Tất cả các loài chim vui sướng nhận thấy rằng: Tiếng chim hót vui tươi cũng cần cho cuộc sống này biết bao!