Quần áo bị co lại khi bị ngâm nước là hiện tượng làm người ta đau đầu. Khi dùng vải lót hoặc chỉ may bị co nhiều khi ngâm nước sẽ làm cho quần áo sau khi giặt bằng nước, bề mặt quần áo bị nhăn nhúm, biến dạng, thật khó nhìn. Nếu vải ngoài lại bị co ngót nhiều thì quần áo sẽ nhỏ lại sau khi giặt.
Nguyên nhân quần áo bị co lại khi ngâm nước có nhiều. Trước hết điều đó liên quan đến cấu trúc và tính chất của sợi dệt. Ví dụ loại sợi dệt là len (lông cừu) dễ bị co khi ngâm nước, sau khi đã bị co thì lại rất khó phục hồi nguyên trạng. Điều đó chính do ở sợi lông cừu có các vảy nhỏ hướng ngược chiều nhau khi có các chuyển động tương đối gây ra ma sát của các sợi dệt với nhau. Nên với loại sợi dệt bằng lông cừu nên chọn cách giặt khô, xử lý bằng dung môi giặt khô, chỉ cần phơi, đập. Nếu cần giặt bằng nước, phải dùng chất tẩy rửa chuyên dùng cho sợi dệt len, có chất chống co nước thích hợp. Sợi vải bông, sợi nhân tạo có tính co nước do trong phân tử của vật liệu sợi có các nhóm ưa nước. Các phân tử trong vật liệu sợi này thường sắp xếp ở trạng thái xốp, khe trống giữa các phân tử lớn, các phân tử nước dễ dàng xen vào các khe hở. Khi có phân tử nước lọt vào khe hở, sẽ có sự nở to dọc theo chiều dọc của vật liệu sợi làm cho sợi sẽ to ra về chiều ngang và độ dài lại ngắn lại. Vì vậy với các loại sợi này khi ngấm nước sẽ bị cứng và vải trở nên dày hơn. Sau khi để khô xuất hiện sự co ngắn rõ rệt. Vì thế nên tỉ lệ co nước của sợi vải và sợi nhân tạo (ví dụ sợi visco) tương đối lớn.
Sự co do nước của các loại sợi còn có một nguyên nhân khác liên quan đến quá trình kéo sợi với các loại vải, trong các quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm màu thường phải qua một số trạng thái bị kéo căng, bị ép nên có biến dạng. Các sự biến dạng trong trạng thái khô thì vẫn giữ ổn định. Trong quá trình giặt bằng nước, sợi vải, sợi tơ bị thấm ướt, bị tác dụng của nhiệt, sự biến dạng nhanh chóng được phục hồi như cũ, do đó mà vải, lụa bị co lại khi giặt với nước.
Có rất nhiều loại vật liệu sợi dệt, mức độ co của chúng khi gặp nước cũng khác nhau. Sợi nhân tạo bị co nhiều nhất khi gặp nước, với sợi visco (sợi nhân tạo) tỉ lệ co nước có thể đến 10%. Sợi vải sợi lanh có độ co nước 3 - 5%. Sợi terilong, sợi polypropylen có tỉ lệ co nước là 0,5 - 1%. Do đó có thể thấy sợi tổng hợp so với các loại sợi ưa nước thì có độ co nước nhỏ hơn nhiều.