Chúng ta đều biết hơn một nửa đất đai của ả rập Xêut đều bị sa mạc bao phủ. Song từ thập kỉ 80 của thế kỉ XX đến nay, nền nông nghiệp của quốc gia thiếu nguồn nước này phát triển rất nhanh, diện tích canh tác đã đạt hơn 3 triệu ha, lương thực dư thừa. Năm 1991, sản lượng xuất khẩu tiểu mạch của quốc gia này xếp thứ 6 trên thế giới. Nguyên nhân là: ả rập Xêut đã ra sức phát triển sản xuất nước ngọt từ nước biển.
Thuật ngữ ngọt hóa nước biển, tức là tách thành phần muối ra khỏi nước biển để thu được nước ngọt. Bao gồm các phương pháp sau: chưng cất, thấm và phản thấm. Phương pháp chưng cất là cho nước biển vào thiết bị gia nhiệt, sau đó làm nóng đến 150 oC, rồi cho vào thiết bị bốc hơi mở rộng để hạ áp suất hơi nước, sau đó dẫn sang thiết bị làm lạnh để ngưng kết thành nước. Cuối cùng cho vào nước những vi lượng khoáng chất nhất định có ích cho sức khỏe con người, hoặc pha lẫn với nước ngầm có tỉ lệ muối thấp. Phương pháp này vì sử dụng những thiết bị được chế tạo bằng hợp kim đồng và niken nên giá thành rất cao. Nhưng nhất cử lưỡng tiện, vừa có thể thu được nước ngọt, khi xử lí hơi nước có thể lợi dụng nó qua tuabin để phát điện. Ả Rập Xêut căn bản dùng phương pháp chưng cất truyền thống này. Hiện nay sản lượng nước chưng cất trên toàn thế giới đã chiếm khoảng 50% tổng lượng nước làm ngọt. Những nhà máy nhỏ hơn thường dùng phương pháp phản thấm. Phương pháp này là dùng cao áp để khiến cho nước mặn thông qua một màng lọc, giữ lại những chất huyền phù và những chất rắn hòa tan trong nước biển. Phương pháp phản thấm hiện nay đã chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng nước được làm ngọt.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp dầu mỏ và sự phát triển nền kinh tế vấn đề nước ngọt của Ả Rập Xêut ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy đầu thập kỉ 60 Ả Rập Xêut đã đề ra một kế hoạch lâu dài xây dựng hàng loạt các nhà máy lớn để ngọt hóa nước biển. Qua mấy chục năm xây dựng, công trình ngọt hóa nước biển của Ả Rập Xêut đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện nay Ả Rập Xêut có 23 nhà máy lớn hiện đại để ngọt hóa nước biển, sản lượng hàng ngày là 2,364 tỉ lít, đồng thời phát điện với công suất 3,6 triệu kW. Ả Rập Xêut đã xây dựng một đường ống dẫn nước ngọt dài 466 km, đường kính 1,5 m để dẫn nước ngọt từ miền đông đến thủ đô và các vùng lân cận. Sự phát triển nhanh chóng của sự nghiệp ngọt hóa nước biển khiến cho Ả Rập Xêut trở thành vương quốc ngọt hóa nước biển, giải quyết một cách căn bản vấn đề thiếu nước ngọt rất gay gắt tồn tại từ lâu.
Ví dụ về ả rập Xêut chứng tỏ ở những vùng thiếu nguồn nước, đặc biệt là ở những nước có thu nhập cao, người ta ngày càng dùng biện pháp ngọt hóa nước biển để bổ sung cho nguồn nước. Chi phí ngọt hóa nước biển thường cao gấp 3 – 4 lần chi phí sử dụng nước ngầm truyền thống. Chi phí để xử lí 1.000 lít nước biển khoảng 40 – 60 USD, còn 1.000 lít nước kiềm là 1,05 – 1,6 USD. Nhưng cùng với sự tiến bộ của kĩ thuật, chi phí ngọt hóa nước biển sẽ còn giảm thấp được rất nhiều. Ví dụ người ta thường xây nhà máy phát điện cạnh nhà máy chưng cất nước biển, lợi dụng nhiệt thừa của hơi nước để phát điện. Như vậy sẽ giảm thấp kinh phí xử lí.
Ở vùng duyên hải Trung Quốc, việc làm ngọt nước biển đang trở thành một trong những con đường để giải quyết vấn đề thiếu nguồn nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay sản lượng ngọt hóa nước biển hàng năm đã vượt quá 4 triệu tấn, trở thành một nguồn cung cấp nước công nghiệp và nước sinh hoạt quan trọng đối với các thành phố Thiên Tân, Chu Sơn v.v..Thiên Tân là một trong những thành phố có qui mô làm ngọt nước biển trực tiếp lớn nhất của Trung Quốc. Từ giữa thập kỉ 80, hai nhà máy điện ở Đại Cảng lắp cạnh các thiết bị làm ngọt nước biển đã được đưa vào sản xuất, sản lượng hàng ngày là 6.000 tấn, sản lượng hàng năm khoảng 2,19 triệu tấn, chiếm 1/2 tổng sản lượng làm ngọt nước biển toàn quốc. Hàng năm nhờ sản xuất nước ngọt đã tiết kiệm được 3,5 triệu nhân dân tệ. Ngọt hóa nước biển còn được ứng dụng ở các đảo Chu Sơn, Trường Sơn v.v..
Theo qui hoạch “Chương trình nghị sự thế kỉ XXI của hải dương Trung Quốc” thì Trung Quốc sẽ chọn những thành phố ở vùng duyên hải thiếu nước nghiêm trọng để xây dựng các công trình mẫu, trực tiếp lợi dụng nước biển và xây dựng những công trình mẫu ở vùng dân cư duyên hải, dùng nước biển rửa các công trình vệ sinh. Ở những tỉnh hạn hán ven biển sẽ xây dựng các công trình thực nghiệm dùng nước biển để tưới, bao gồm nước dùng cho công nghiệp, nước sinh hoạt, nước uống và nước tưới cho những loại cây chịu mặn. Cùng với quá trình thương phẩm hóa nguồn nước và kĩ thuật ngọt hóa nước biển được phát triển, việc ngọt hóa nước biển nhất định sẽ có một bước phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc.