Thảo nguyên là hệ thống sinh thái quan trọng của Trái Đất, là cơ sở quan trọng để chăn nuôi súc vật. Song hiện nay rất nhiều thảo nguyên trên thế giới đã bị thoái hóa. Đó là do hậu quả con người khai khẩn quá mức hoặc chăn thả súc vật quá độ gây nên.
Sa mạc Sahara ở Châu Phi là sa mạc lớn nhất thế giới. Nghiên cứu khoa học chứng tỏ mấy nghìn năm trước ở đó là vùng thảo nguyên mênh mông rất đẹp, sông ngòi chằng chịt, đất đai phì nhiêu, còn mọc nhiều loài cỏ cây nhiệt đới. Về sau vì con người khai thác chặt phá, chăn thả súc vật không hạn chế, cộng thêm khí hậu biến đổi, đất bị xói mòn, cuối cùng thảo nguyên bị cát hóa biến thành vùng sa mạc kéo đến tận chân trời như ngày nay.
Đại thảo nguyên Nội Mông dưới núi Âm Sơn, Nội Mông, Trung Quốc, do mấy chục năm gần đây khai hoang bừa bãi nên bị phá hoại nghiêm trọng. Ở thập kỉ 60 thế kỷ XX, các cánh đồng cỏ ở đây bị khai hoang chiếm tới 1/10 diện tích thảo nguyên. Những cánh đồng khai hoang có chỗ vì thiếu nước mà biến thành hoang mạc, có chỗ vì đất cằn mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Cộng thêm người chăn nuôi chặt phá, đào bới rễ cây thuốc, kết quả các cánh đồng cỏ bị phá hoại, nhiều vùng biến thành bãi trọc.
Thảo nguyên thiên nhiên là vùng cân bằng của nhiều loài thực vật, trong đó loài có cỏ tốt dùng để chăn nuôi chiếm phần lớn. Nếu chăn thả quá mức, cỏ bị tiêu diệt thì những loài cỏ tốt này không thể cạnh tranh nổi với các loài cỏ khác, do đó trạng thái cân bằng bị phá hoại. Những loài cỏ có nhiều gai, có chất độc hoặc có mùi hăng, bò, dê không ăn được, dần dần tăng lên khiến cho thảo nguyên thoái hóa. Lúc đó sản lượng thịt và nông sản sẽ giảm xuống.
Thảo nguyên sau khi bị thoái hóa, cây cỏ bề mặt ít đi làm cho đất bị xói mòn, kết quả một thời gian sau thảo nguyên sẽ biến thành sa mạc. Muốn ngăn ngừa thảo nguyên thoái hóa thì phải chú ý bảo vệ hệ thống sinh thái, thực hiện khai thác có kế hoạch, không chăn thả quá mức, để cho cây cỏ có đủ thời gian phát triển. Như vậy bò, cừu và bãi cỏ hài hòa với nhau, cùng nảy nở, phát triển.
Từ khóa: Thảo nguyên; Sa mạc.