Có thể một lúc làm hai việc không?
Sử sách chép lại rằng Napoleon nước Pháp, khi soạn thảo “Bộ luật” nhà nước, cùng một lúc có thể nói đến các điều khoản của luật dân sự, luật hình sự, luật thương mại. 13 người vội vã ghi tốc ký mà vẫn mướt mồ hôi không theo kịp ông. Lẽ nào Napoleon lại có 4 bộ não?
Thực ra, ông ta cũng chỉ có một cái đầu và một bộ óc mà thôi. Cái hơn người của vị hoàng đế này là biết "phân phối chú ý". Nếu xem xiếc, bạn cũng sẽ thấy người diễn viên phải làm việc này khi vừa dùng chân đu đưa bàn đạp để giữ thăng bằng, mà cổ vẫn vươn lên giữ cho chồng bát trên đầu khỏi đổ, trong khi một chân khác lại đá bát tiếp tục chồng cao thêm.
"Phân phối chú ý" là gì: Khi ta chú ý vào một việc, trong đại não sẽ có một trung tâm hưng phấn, còn xung quanh là một số điểm hưng phấn yếu, khiến ta có thể chú ý thêm đôi ba việc khác nữa. Muốn thực hiện phân phối chú ý phải có một điều kiện: trong các hành động phải một hoặc vài hành động đã rất thành thạo, thậm chí đến mức độ tự động hoá.
Chẳng hạn ở người vừa đánh đàn guitar vừa hát. Những người này phải biết chơi guitar đến mức độ nhuần nhuyễn. Khi đó, trung tâm hưng phấn sẽ là hát, đánh guitar chỉ là trung tâm hưng phấn yếu, có nhiệm vụ duy trì mà thôi. Còn người mới tập guitar, trọng tâm hưng phấn là đánh đàn, vì thế không thể hát được đồng thời. Với diễn viên xiếc, sự cân bằng trên xe đạp cao và chồng bát trên đầu đã đạt đến trình độ tự động hoá, vì vậy sức chú ý của diễn viên chỉ còn tập trung vào việc đá bát lên đầu. Đương nhiên, phân phối chú ý thành thạo được như vậy quả là một công phu.
Khi trong đại não xuất hiện một trung tâm hưng phấn rất mạnh, các điểm hưng phấn khác sẽ mất đi. Điều đó có nghĩa là, khi ta lao động trí óc căng thẳng, lại muốn làm một lúc 2-3 việc, sẽ cực kỳ khó khăn. Có bạn cho rằng vừa nghe đài, vừa làm bài sẽ rất hiệu quả. Sự thực, như thế chỉ làm phân tán chú ý mà thôi. Kết quả là học tập sẽ kém hiệu quả.