Máy tính có thể thay thế bộ não con người không?
Trong xã hội ngày nay, máy tính đã được sử dụng rộng rãi và trở thành công cụ đắc lực để con người làm công việc lao động trí óc. Máy tính có khả năng tính toán mỗi giây làm hàng vạn, thậm chí làm được hàng trăm triệu phép tính (Bây giờ đã đạt tới khoảng 500 ngàn tỷ và sẽ tiến tới đạt một triệu ngàn tỷ phép tính/ giây - btv), có khả năng lưu trữ được một khối lượng tin cực lớn, và còn làm việc chính xác đến mức không hề có sai sót, không biết mệt mỏi, không chán nản. Đó là điều mà trí năng con người không thể nào sánh kịp. Giờ đây máy tính kết hợp với kĩ thuật multimedia (đa phương tiện) đã có thể biết viết, biết vẽ, biết xem, biết nói, biết nghe, biết hát.
Ở Trung Quốc người ta gọi máy tính là điện não (bộ óc điện). Vậy bộ óc điện có những khả năng to lớn nào? Nó có thể thay cho bộ não con người không?
Nếu hiểu được cấu tạo bên trong của máy tính và nguyên lí làm việc của nó thì sẽ biết máy tính chẳng qua là làm việc theo chương trình mà thôi. Con người đã biên soạn cho chương trình máy tính những tri thức, phương pháp, kinh nghiệm giải quyết vấn đề bằng ngôn ngữ. Chỉ những vấn đề được miêu tả rõ ràng bằng ngôn ngữ thì máy tính mới giải (tìm nghiệm) được. Những vấn đề không miêu tả bằng ngôn ngữ được thì máy tính cũng bất lực. Trí tuệ của con người đúng là có nhiều thành phần mà ngôn ngữ không biểu đạt được, như ấn tượng, cảm giác, kinh nghiệm, linh cảm, v.v. Đó là những cái ta chỉ có thể biết mà không thể nói ra. Những vật liếc qua là biết thì dù là dùng máy tính hiện đại nhất và máy này đã qua hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng trăm triệu lần tính toán thì cũng chưa chắc nhận thức được. Lí do là cấu trúc sinh lí và cách thức tính toán của bộ não con người và máy tính hoàn toàn khác nhau. Không ngôn ngữ nào có thể miêu tả, trình bày được, có nghĩa là không tồn tại toán pháp. Không có toán pháp thì không thể lập trình cho máy, và máy tính không thể nào tìm ra đáp số được. Có những vấn đề tuy là có toán pháp (cách tính) nhưng để máy tính tìm lời giải thì phải tốn thời gian hàng vạn năm. Trên thực tế thì máy không thể giải.
Mặt khác, cách thức giải quyết vấn đề của máy tính và người khác nhau xa. Lấy việc đánh cờ để nói, cái tài thực sự của máy là giành chiến thắng nhanh. Chương trình đánh cờ của máy tính đã thực hiện là: Cứ đi một nước thì lại kiểm nghiệm các khả năng có thể của đối thủ và xem các đối sách cho mỗi khả năng đó, rồi mới chọn lựa trong đó một nước đi hy vọng giành thắng lợi. Con người đánh cờ tuy cũng đi một nước phải xem xét mấy bước. Thế nhưng, cái hay của người cao cờ ở chỗ không cứng nhắc suy xét từng khả năng mà là dựa vào kinh nghiệm, sau khi xem xét thế cờ hiện tại thì tập trung chú ý vào những nước đi có khả năng chiến thắng một cách trực giác, rồi đó mà chọn lấy một nước đi quân. Tuy chương trình máy tính cũng có thể bằng kỹ năng thiết kế chương trình, tích lũy kinh nghiệm, nén không gian tìm kiếm; nhưng không thể xem xét thế cờ, tùy cơ ứng biến như là người chơi cờ được. Chính vì lẽ đó, với những loại cờ phức tạp như cờ tướng, như cờ vây, thì đến nay vẫn chưa viết được chương trình cho hay như là với cờ vua.
Máy tính tóm lại chỉ là một công cụ xử lý thông tin do con người chế tạo ra, chỉ có thể làm việc theo chương trình con người lập sẵn. Nó chỉ có thể thay thế phần nào bộ óc con người, không thể thay thế hoàn toàn được.