Nước máy có thể trở thành dung dịch sát trùng không?
Trên thị trường có bán một bộ dụng cụ điện dân dụng nhỏ. Với loại dụng cụ điện này chỉ cần nối vào vòi nước, thêm một ít muối ăn, sau khi nối điện, không bao lâu sau ta sẽ được dung dịch thuốc sát trùng dùng để rửa các dụng cụ nhà bếp rất tiện lợi.
Vì sao nước lại biến thành thuốc sát trùng? Điều này có liên quan đến các phản ứng điện hoá học. Năng lượng dòng điện có thể gây nhiều phản ứng hoá học cho vật chất. Ví dụ khi cho dòng điện chạy qua nước, có thể sinh ra hyđro và oxy. Dùng dòng điện để tự chế tạo thuốc sát trùng cũng dựa vào nguyên lý của các phản ứng điện hoá học. Trong phản ứng này ta cần nước và một ít muối ăn. Trước hết chúng ta pha chế dung dịch muối ăn có nồng độ tương đối thấp sau đó đổ vào cái máng nhỏ của dụng cụ điện trên máng có lắp sẵn hai điện cực. Nối hai cực với nguồn điện, sẽ có dòng điện chạy qua dung dịch muối ăn. Sẽ có khi hyđro thoát ra trên cực âm, quanh cực âm (còn gọi là catot) sinh ra nhiều natri hyđroxit. Trên cực dương (còn gọi là anot) sẽ có khí clo thoát ra. Clo là một loại khí độc, với lượng nhỏ thì khí clo sẽ tan hoàn toàn vào nước, sẽ tác dụng với nước thành axit hypocloric. Axit hypocloric là một chất diệt vi khuẩn rất mạnh. Axit hypocloric có tác dụng oxy hoá bên trong các vi khuẩn, phá huỷ hệ thống men của vi khuẩn nên khiến vi khuẩn bị diệt. Ngoài ra axit hypocloric là hợp chất không bền, dưới tác dụng của ánh sáng hoặc nhiệt độ, axit này sẽ phân huỷ thành các chất vô hại đối với sinh vật. Vì vậy axit hypocloric là một chất diệt khuẩn an toàn có thể dùng để rửa bát đĩa, rau dưa trong nhà bếp. Ngoài ra có thể dùng nó để giặt các loại khăn vải vừa có tính chất sát trùng vừa có tác dụng tẩy trắng.
Thực ra trong nước máy thường đã có chứa một lượng khí clo thích hợp cho mục đích sát trùng. Tác dụng tương tự như khi dùng dụng cụ tự chế tạo.