Tại sao hoa lại có nhiều màu sắc đến như vậy?
Có một câu thơ cổ “mùa xuân muôn màu muôn sắc”. Mỗi khi mùa xuân về, màu vàng của hoa tầm xuân, màu hồng của hoa anh đào, màu phấn hồng của hoa đào hay màu tím của hoa violet... làm cho sắc xuân càng thêm tươi vui, càng thêm sống động hơn, rực rỡ hơn.
Nếu bạn quan sát kỹ một chút, có thể thấy sắc hoa chủ yếu là sự biến đổi giữa các màu hồng, tím, xanh lam; cũng có một số loài hoa là sự biến đổi giữa màu vàng, màu da cam và màu hồng.
Sự biến đổi giữa màu vàng, da cam, hồng là “trò chơi” của chất carotin. Trong chất carotin có rất nhiều màu sắc, khoảng hơn 60 loại màu sắc khác nhau. Còn sự biến đổi giữa màu đỏ, tím, lam là do trong tế bào của hoa có chứa chất quỳ. Quỳ là một loại sắc tố hữu cơ, nó rất dễ thay đổi, chỉ cần nhiệt độ hoặc độ axit kiềm thay đổi một chút là màu của nó sẽ mang một chiếc áo choàng mới ngay.
Bạn đã biết loài hoa khiên ngưu chưa? Hoa của nó giống như những chiếc loa, nhiều màu sắc. Thực ra đó hoàn toàn là do “trò ảo thuật” của chất quỳ có trong cánh hoa, nếu bạn ngắt một bông hoa khiên ngưu màu hồng xuống ngâm trong nước xà phòng, màu hồng sẽ đổi sang màu lam. Và trò ảo thuật này còn có thể thay đổi ngược lại, nếu bạn ngâm một bông màu lam vào trong dung dịch axit clohydric thì nó lại chuyển sang màu hồng. Hóa ra đây chỉ là sự thay đổi độ axit, kiềm, dẫn đến sự thay đổi màu chất quỳ.
Trong cơ thể thực vật có những thứ có tính axit, cũng có những thứ có tính kiềm. Không chỉ có độ kiềm, độ axit trong những loài khác nhau sẽ khác nhau mà cả độ axit, độ kiềm trong cùng một loài cũng sẽ thay đổi do ảnh hưởng của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Như vậy, chất quỳ luôn luôn “biến hóa” trước mắt chúng ta tạo ra trăm hoa đua nở, làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.
Bạn nhất định sẽ cảm thấy kì lạ: cây hoa phù dung sáng nở tối tàn, buổi sáng nó nở hoa màu trắng, trưa dần chuyển sang màu phấn hồng rồi sang màu đỏ. Còn cây bông không những thay đổi màu hoa trong một ngày mà ngay trên cùng một cây có thể có cùng lúc ra mấy màu hoa. Đó đều là trò “xiếc” của chất quỳ ở trong hoa theo sự biến đổi của cường độ chiếu sáng của Mặt Trời, của nhiệt độ và của độ ẩm gây nên.