Tại sao kiến trúc của các nước khác nhau có đặc trưng về màu sắc khác nhau?
Các nước và thành phố khác nhau, kiến trúc của họ thường có màu sắc không giống nhau. Thành phố Roma của Italia có rất nhiều kiến trúc màu vàng vỏ quýt. Màu sắc này khiến cho thành phố có vẻ sâu xa. Màu sắc của thành phố nước Anh phần lớn là màu nước trà; còn các kiến trúc của các thành phố miền Nam Tây Ban Nha phần lớn dùng màu trắng. Nhật Bản thì thích màu xám.
Các nước có khí hậu khác nhau, màu sắc của các thành phố của họ cũng khác nhau. Kiến trúc của các thành phố nhiệt đới thường thích dùng gam màu lạnh tương đối tươi sáng như kiến trúc của một số thành phố ở Ghinê, Dămbia, Tandania, phần lớn dùng gam màu nhạt có độ sáng tương đối như màu xanh da trời, màu trắng v.v. Các nước có khí hậu hàn đới thì kiến trúc của các thành phố thường dùng gam màu ấm trang trọng, thâm trầm, như màu vàng, màu da cam.
Các nước có tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, màu sắc của thành phố cũng khác nhau. Nước Hy Lạp theo tín ngưỡng đạo Cơ Đốc, dùng màu sắc để tăng hiệu quả thị giác đối với các đền thờ xây bằng đá cẩm thạch ở trong thành phố, dùng các tượng điêu khắc trên bia đá trang trí vào mặt chính của tường đầu hồi, sơn màu xanh lam hoặc màu son đất, làm tăng cảm giác thâm u của thành phố. Còn Trung Quốc thời cổ thì suy tôn màu vàng, màu sắc của đô thành lấy màu vàng và màu đỏ là chính. Cố Cung ở Bắc Kinh dùng ngói lưu ly màu hoàng kim làm mái nhà của các cung điện, đồng thời phối hợp với màu son đỏ, làm nổi bật tính tôn nghiêm tối cao của các bậc đế vương phong kiến.
Màu sắc của thành phố là một trong những nhân tố chủ yếu làm nên vẻ đẹp của kiến trúc thành phố, cũng là một phương tiện quan trọng để cải thiện chức năng môi trường thành phố, nó có tác dụng trang trí làm đẹp đối với tạo hình công trình kiến trúc thành phố. Trong kiến trúc thành phố do dùng gam màu khác nhau, nên đã làm cho khoảng cách không gian giữa các kiến trúc và cảm thụ thị giác có sự biến đổi, màu sơn của bản thân công trình kiến trúc chung quanh đều có một ảnh hưởng nhất định đối với môi trường đô thị và tâm tư con người.
Việc chọn màu sắc kiến trúc, về cục bộ cần xét đến sự hài hoà thống nhất đối với đường sá, địa hình và cây xanh ở chung quanh, khiến cho công trình kiến trúc tỏ ra hoàn chỉnh tự nhiên. Còn xét về góc độ của thành phố, thì màu sắc kiến trúc cần phải chú ý đến sự hài hoà thống nhất với điều kiện khí hậu, địa lý và màu sắc cảnh quan thiên nhiên của thành phố sở tại, mà quan trọng hơn là phải coi trọng sự ăn khớp với bối cảnh và lịch sử văn hoá của thành phố, màu sắc kiến trúc phải thể hiện được phong cách và sắc thái riêng của thành phố. Do đó một thành phố phải có quy hoạch màu sắc cảnh quan lâu dài, và dưới sự chỉ đạo quy hoạch chung đó để bố trí màu sắc của các kiến trúc cục bộ. Chỉ có như vậy, mới có thể khiến cho màu sắc cảnh quan thành phố có trình tự mạch lạc, và thể hiện cái đẹp của thành phố có sắc thái cảm tình sâu đậm.