Tại sao lá của thực vật cũng có thể hấp thụ được phân bón?
Thực vật không chỉ dùng rễ hấp thụ phân bón, thậm chí ngay cả lá cũng có thể hấp thụ phân bón!
Có người thí nghiệm như sau: đem phân bón có nguyên tố phóng xạ hòa tan vào trong nước, sau đó dùng bút lông bôi lên trên lá của thực vật. Qua mấy ngày, điều khiến người ta ngạc nhiên là trong bộ rễ của thực vật cũng phát hiện ra nguyên tố phóng xạ.
Thực ra, thực vật dùng lá hấp thụ phân bón, sớm đã được các nhà khoa học chú ý từ hơn 100 năm trước, chỉ có điều đến thời cận đại sau khi có chất đồng vị phóng xạ, con người mới hiểu rõ ràng hơn về nó.
Hóa ra, cách lá hấp thụ phân bón so với rễ khác nhau, nó có riêng bản lĩnh độc đáo. Trên bề mặt lá có hai tổ chức đặc biệt: một là lỗ khí, hai là tầng chất sừng. Lượng phân bón phơi trên mặt lá chính là thông qua “cánh cửa” lỗ khí đi vào, khi vào bên trong, sẽ vận chuyển giữa các tế bào.
Do lá của thực vật có công dụng độc đáo này, cho nên hơn 10 năm gần đây, phương pháp bón phân trên lá đã được ứng dụng rộng rãi trên cây trồng và gọi nó là “bón thúc ngoài rễ”.
Ưu điểm của phương pháp này rất nhiều. Ví dụ, khi thực vật do thiếu nguyên tố nào đó mà sinh bệnh, có thể bệnh nào thuốc đấy. Như bệnh lá nhỏ ở cây ăn quả, lá do thiếu kẽm, chỉ cần phun một ít kẽm lập tức chữa được căn bệnh này; có loại đất có tính kiềm, dễ cố định nguyên tố nào đó, vì thế mà thực vật khó hấp thụ chất, phương pháp bón thúc ngoài rễ này có thể bù đắp khiếm khuyết ở một mức độ nhất định. Ngoài ra phương pháp này tiết kiệm lượng phân bón, có lúc nồng độ chỉ 1% - 3% có khi chỉ còn 0,1%.
Tại sao bón phân ít như vậy lại có hiệu quả rõ rệt? Đó là vì, có một số nguyên tố tất yếu như kẽm, Boron, mangan, magiê, sắt... bản thân thực vật cần một lượng không nhiều, cung cấp lượng ít là đáp ứng đủ nhu cầu. Phương pháp bón thúc ngoài rễ không chỉ có thể cung cấp những nguyên tố này mà điều quan trọng hơn là sau khi bón phân còn có thể tăng khả năng cho lá tạo chất dinh dưỡng, tăng sự tích lũy chất trong cơ thể. Song, bón thúc mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy nhưng rốt cuộc vẫn không thể thay thế hoàn toàn phương pháp bón phân cho rễ, vì vậy lượng phân bón do lá hấp thụ vẫn ít hơn nhiều so với rễ nó chỉ có thể được coi là một phương pháp bón phân bổ trợ. Đồng thời, khi ứng dụng phương pháp này việc lựa chọn loại muối nồng độ, thời gian, phương pháp cũng rất quan trọng, sử dụng không đúng, không những hiệu quả không tốt, có khi còn có thể đem lại nhiều cái hại. Điều này phải chú ý.